Dấu ấn trong xây dựng phát triển các khu kinh tế quốc phòng
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với ông là vị tướng có phong thái điềm tĩnh; ánh mắt đôn hậu và nụ cười khiến người đối diện luôn cảm nhận được sự ấm áp, chân tình.
Ngay từ khi còn nhỏ, trước sự hy sinh anh dũng của người cha là Đội phó du kích thôn Đồng Kênh (xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) trong một trận càn của giặc Pháp, đã thôi thúc trong ông tinh thần cứu nước, căm thù quân xâm lược.
Năm 1961, khi 19 tuổi, ông nhập ngũ, biên chế vào F320 thuộc Quân khu 3. Từ 1967, ông tham gia các chiến dịch lớn như Mậu Thân, Đường 9 Nam Lào, các chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… Sau đó, ông cùng đồng đội hành quân theo dọc Đường số 1 vào giải phóng miền Nam. Trên đường đi, ông tham gia giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Biên Hòa; tấn công trên mặt trận phía Đông Nam Sài Gòn để hòa vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi giải phóng miền Nam, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Chiến tranh kết thúc, ông được điều về làm Tư lệnh Quân đoàn 2. Từ năm 1995, ông công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Phó Tổng Tham mưu trưởng, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh là một trong những người đi đầu và có đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển các khu kinh tế quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cho đến nay, các khu kinh tế quốc phòng không ngừng lớn mạnh, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tiên.
“Chủ trương về phát triển kinh tế quốc phòng khu vực biên giới của Đảng và Nhà nước ta là rất đúng đắn. Bộ đội phải đi đầu, phải làm kinh tế ở vùng khó khăn để xây dựng vững chắc kinh tế nơi biên giới, hải đảo… Cùng với làm kinh tế, quân đội còn kết hợp xây dựng các đồn biên phòng bảo vệ Tổ quốc, vừa đóng góp kinh tế cho ngân sách Nhà nước, vừa bảo vệ vững vàng tuyến biên giới. Điều đó rất phù hợp với phương châm đánh giặc của cha ông ta, đó là “động là quân, tĩnh là dân””, Thượng tướng Rinh chia sẻ.
Thượng tướng Rinh còn được trìu mến gọi là “Ông da cam”. |
Góp phần giúp các nạn nhân da cam được hưởng chế độ
Sau khi nghỉ hưu, năm 2009, ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương giới thiệu ra làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam. Thấu hiểu những khổ đau, bất hạnh của hàng vạn gia đình nạn nhân CĐDC trên khắp cả nước, ông tiếp tục cùng tập thể Hội thực hiện hai nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, là huy động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ; và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.
Với phương châm “ở đâu có nạn nhân CĐDC, ở đó có tổ chức Hội”, trong ba nhiệm kỳ Chủ tịch của ông, tổ chức của Hội đã không ngừng lớn mạnh. Đến nay, Hội đã có tổ chức ở 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, hình thành một mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân.
Bên cạnh đó, các phong trào “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” được ông chỉ đạo cụ thể từng nhiệm vụ, giải pháp; nhờ vậy, rất nhiều hoạt động nghĩa tình đã được các ngành, các tổ chức, DN, các cá nhân, bạn bè trong và ngoài nước nhiệt tình ủng hộ. Cho đến nay, các cấp Hội đã vận động được khoảng 3.133 tỷ đồng; trong đó dành chi cho xây dựng hơn 7.000 ngôi nhà tình nghĩa, trợ cấp hơn 15.000 suất học bổng; trợ cấp khám chữa bệnh, cấp vốn sản xuất cho hàng chục vạn nạn nhân CĐDC.
Năm nay Thượng tướng Rinh đã bước sang tuổi 81, nhưng ông vẫn thường đến tận cơ sở, từ rẻo cao biên giới tới các làng bản xa xôi để thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân CĐDC; thậm chí bỏ tiền túi để tặng các nạn nhân CĐDC.
Cùng vào sinh, ra tử với đồng đội nơi chiến trường, thấu hiểu tâm tư và nỗi vất vả của các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) trong chiến tranh nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ vì không đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định, ông đã đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết qua con đường thực chứng. Nhờ vậy, nhiều người bị nhiễm CĐHH trong kháng chiến chống Mỹ và con của họ đã được hưởng chế độ. Ân tình ấy, nhiều người không bao giờ quên. Nhưng trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn nhắc đi nhắc lại: “Có được những kết quả như ngày nay là do cả một tập thể biết đoàn kết và trách nhiệm cùng chung vai gánh vác”.
Trên cương vị Chủ tịch Hội, ông đã cùng Ban Thường vụ, Thường trực Hội tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản liên quan các nạn nhân CĐDC. Trên cơ sở đó, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Ông còn chỉ đạo việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người có công và nạn nhân CĐDC/dioxin, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh (trong đó quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH); Quyết định 2215/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam (giai đoạn 2021 - 2030)…
Những văn bản trên đã góp phần quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”; đồng thời hoàn thiện đồng bộ các chế độ, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nạn nhân CĐDC trong việc làm hồ sơ hưởng chế độ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn làm Thủ tướng Chính phủ) đến thăm và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hồi tháng 1/2021. |
Đồng hành cùng các nạn nhân đòi công lý
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội luôn được ông chú trọng trăn trở, đó là phải làm gì để cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC đạt hiệu quả cao. Ông chỉ đạo việc phối hợp một số cơ sở nghiên cứu khoa học và các chuyên gia tổ chức hội thảo chuẩn bị các luận cứ khoa học. Ông thậm chí đồng hành cùng các nạn nhân CĐDC sang Mỹ để tham dự phiên tòa xét xử hơn 30 Cty hóa chất của Mỹ. Mặc dù kết quả chưa được như mong muốn, nhưng vụ kiện đã gây tiếng vang lớn. Qua phiên tòa này, thế giới biết đến tội ác của quân đội Mỹ và thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam. Vụ kiện đã thức tỉnh trách nhiệm, lương tri dư luận quốc tế và cả chính người dân Mỹ, từ đó lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC của Việt Nam.
Đến nay, phía Mỹ đã cùng với cơ quan chức năng Việt Nam tham gia tẩy độc tại các sân bay Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai). Hoa Kỳ cũng đang tiến hành hai dự án đầu tư giúp đỡ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân CĐDC/dioxin tại 8 tỉnh bị ảnh hưởng CĐHH, với số tiền khoảng 65 triệu USD.
Những việc làm trên phần nào “xoa dịu bớt nỗi đau da cam” với các nạn nhân, nhưng cuộc đấu tranh đòi công lý chưa thể kết thúc khi vẫn còn những hậu quả, di chứng nặng nề để lại cho người dân từ loại hóa chất độc hại này. Bởi vậy, Thượng tướng Rinh vẫn luôn đau đáu, nhắc nhở cán bộ Hội các cấp “phải tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam” bằng những biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và luật pháp quốc tế; buộc Mỹ phải có trách nhiệm về môi trường, sức khỏe con người với không chỉ 8 tỉnh mà tất cả các tỉnh bị Mỹ rải CĐHH.
Với những cống hiến không biết mệt mỏi của người “thuyền trưởng” Nguyễn Văn Rinh, vị trí, vai trò của Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam ngày càng được khẳng định. Có lẽ vì thế mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đương nhiệm và rất nhiều người dân đã gọi ông bằng cái tên trìu mến: “Ông da cam”. Chỉ điều đó thôi đã cho thấy đóng góp, uy tín, tình cảm của ông dành cho Hội và các nạn nhân da cam đã chạm đến trái tim của mọi người như thế nào.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX; nguyên đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XIII. Gần 15 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin (từ khóa 2 đến nay), hoạt động của ông gắn liền quá trình phát triển, trưởng thành của Hội; nhiều năm liền, Hội được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Cá nhân ông cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Quân kỳ quyết thắng. Năm 2021, ông được tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động quyên góp, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Ông còn được nước bạn Lào tặng hai Huân chương Lao động vì có thành tích trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.