Thượng thư Đào Hữu Ích - Danh sĩ tài đức vẹn toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làm quan trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX đất nước gặp nhiều khó khăn bởi xã hội rối loạn cùng sự xâm lược của thực dân Pháp, đã đặt cho giới sĩ phu xuất thân Nho học triều Nguyễn phải lựa chọn con đường riêng của mình.

Trong khi một bộ phận Nho sĩ cộng tác với chính quyền thuộc địa Pháp và chính quyền tay sai triều đình Nguyễn; một bộ phận sĩ phu bế tắc trước thời cuộc, lánh đời, thì vẫn có một bộ phận Nho sĩ làm quan cho triều đình nhưng tấm lòng luôn hướng về dân tộc, về nhân dân, trong đó có Đào Hữu Ích.

Lễ đón bằng công nhận cấp quốc gia đối với Di tích lịch sử mộ và nhà thờ Đào Hữu Ích năm 2016. Nguồn ảnh Báo Hà Tĩnh

Lễ đón bằng công nhận cấp quốc gia đối với Di tích lịch sử mộ và nhà thờ Đào Hữu Ích năm 2016. Nguồn ảnh Báo Hà Tĩnh

Vươn lên vượt qua nghịch cảnh nhờ “Trí”

Danh nhân Đào Hữu Ích sinh năm Kỷ Hợi 1839, đời vua Minh Mạng thứ 20, xuất thân dòng dõi danh Nho, ở thôn Yên Nghĩa, làng Hữu Bằng, tổng Hữu Bằng, nay là xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ Đào Hữu Ích đã nổi tiếng thần đồng thông minh, học giỏi. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, cha mẹ mất sớm, phải đi làm thuê làm mướn, sau đó được chủ nhà mến mộ tài đức nên đã gả con gái cho.

Không phụ lòng, khoa thi Hương năm Đinh Mão, đời vua tự Đức 20 (1867), Đào Hữu Ích đỗ Cử nhân và được triều đình nhà Nguyễn cử làm Giáo thụ, chuyên lo việc giáo dục ở một phủ. Tiếp đó ông được bổ nhiệm làm Tri huyện An Dương (nay thuộc TP. Hải Phòng). Đến năm 1878 ông được bổ dụng làm Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883 ông giữ chức Chưởng ấn trong Viện Đô sát, đến năm 1887 ông giữ chức Bố chính tỉnh Nghệ An.

Đào Hữu Ích được Vua Thành Thái rất coi trọng, phong thưởng Huân thưởng Huân chương Minh Nghĩa Bội tinh; tiến cử làm Chủ khảo thi Hương ở Thừa Thiên (Huế), vị trí danh dự thường Tiến sĩ trở lên mới được đề bạt (Trước đó, trong lịch sử ở Hà Tĩnh, có Cử nhân Nguyễn Công Trứ thì mới được như vậy).

Khi phong trào Cần Vương thoái trào, toàn cõi nước nhà bị đô hộ, triều đình cử ông làm Tổng đốc nhưng ông từ chối và cáo lão về quê bởi không muốn làm tay sai cho thực dân Pháp. Sau khi về hưu, lần hai triều đình phong tặng ông làm Tổng đốc trí sĩ (hàm tương đương Thượng thư đầu triều).

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, có thể nói rằng chữ “Trí” là phẩm chất hàng đầu của danh nhân Đào Hữu Ích. Từ xuất thân nghèo khó, phải đi ở giúp gia đình, chữ “Trí” đã giúp ông vươn lên, được gia chủ mến mộ, không những nuôi ăn học mà còn gả con gái cho. Cụ nhanh chóng dùng chữ Trí vượt qua tứ trường thi Hương, đỗ Cử nhân.

Đứng trước con đường học tiếp và thi đỗ Tiến sĩ để làm chức quan lớn, hay con đường làm ngay chức quan vừa, rồi cống hiến để vượt lên, chữ “Trí” thể hiện rõ khi triều Nguyễn chọn ông làm Chánh chủ khảo thi Hương ở Thừa Thiên (Huế) để tuyển chọn nhân tài, vị trí này thường chỉ dành cho Tiến sĩ trở lên. Điều này rất đặc sắc, chứng tỏ triều đình thừa nhận thực học, thực trí của ông.

Chữ “Trí” cũng đã giúp ông thành danh ở giai đoạn vô cùng khó, khi mà vua Tự Đức băng hà năm 1883, để lại một giang sơn rối bời, nửa tây – nửa ta, nửa tối - nửa sáng, nửa có chủ quyền – nửa mất nước, nửa yên bình – nửa loạn lạc, Đào Hữu Ích đã nương theo thời thế, vận dụng sáng tạo, tỏa được các ảnh hưởng, các giá trị của mình. Khi dấn thân vào chính trường, ông năng nổ nhưng lại cẩn trọng, trí tuệ, kèm với tình cảm cân bằng, khiến những chức trách thực hiện đều trọn vẹn, cho dù làm quan qua nhiều vùng và nhiều lĩnh vực.

Cuối cùng, khi được triều Nguyễn đề bạt chức Tổng đốc, một chức quan hàm Nhị phẩm, khi toàn cõi nước nhà bị cai trị, Đào Hữu Ích đã trí tuệ, khéo léo, tỉnh táo, từ bỏ mộng công danh và xin về nghỉ. Ông về nghỉ với hàm Tổng đốc hưu trí, ngang với Thượng Thư mà sau này người dân gọi với cái tên thân thương là Cụ Thượng Đào.

Bà Đồng Thị Hồng Hoàn - Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm về Danh nhân Đào Hữu Ích, ngày 9/10/2022.

Bà Đồng Thị Hồng Hoàn - Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm về Danh nhân Đào Hữu Ích, ngày 9/10/2022.

Vị quan giàu lòng yêu nước

Thời điểm 1885-1887, khi mà phong trào Cần Vương do Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng lãnh đạo đang phát triển mạnh, trên cương vị là một trong những viên quan đứng đầu tỉnh, Bố chánh Nghệ An Đào Hữu Ích không thể công khai đứng ra ủng hộ phong trào Cần vương chống thực dân Pháp.

Nhưng với tinh thần yêu nước, Bố chánh Đào Hữu Ích đã bí mật giao cho con trai của mình là Đào Mạnh Tài tổ chức quyên góp tiền bạc, mua ô lấy gọng làm lò xo để chế tác súng trường; mua diêm tiêu, lưu huỳnh làm thuốc nổ; mua mâm thau, nồi đồng làm vỏ đạn… cung cấp cho xưởng quân giới của do Cao Thắng trực tiếp chỉ huy ở Khe Rèn, Tràng Sim (nay là xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn).

Biết việc Bố chánh Đào Hữu Ích hậu thuẫn cho nghĩa quân Hương Khê của Phan Đình Phùng và Cao Thắng, thực dân Pháp đã ép triều đình Huế điều chuyển ông ra khỏi vùng Nghệ Tĩnh, nhằm cách ly với phong trào Cần Vương. Vì thế, năm 1890, triều đình đã điều chuyển ông vào tỉnh Bình Định làm Bố chánh, để cắt đứt sự hậu thuẫn của ông đối với nghĩa quân Cần vương ở quê nhà.

Khi phong trào Cần Vương thoái trào (đầu năm 1896), thực dân Pháp và tay sai có trong tay bản danh sách những người tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng tại quê nhà Hương Sơn nói riêng và vùng Nghệ Tĩnh nói chung. Bọn chúng lập toàn bộ danh sách này đòi truy tố. Với tình cảm sâu nặng quê hương xứ sở và lòng thương yêu nhân dân, Tuần phủ Đào Hữu Ích đã tìm mọi cách để thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn miễn truy cứu và huỷ bỏ danh sách này.

Ông đã biện luận với lý lẽ đầy thông minh và thuyết phục “Những người cầm đầu Văn thân đã chết hết cả rồi, phong trào đã tan rã, không cần và không nên bắt bớ thêm du đảng, làm cho nhân dân thêm oán giận”. Sự mưu lược và khôn khéo của ông đã giúp cho những người đã từng tham gia trực tiếp và ủng hộ phong trào Cần Vương tại vùng Nghệ Tĩnh tránh bị thảm sát bởi cuộc trả thù đẫm máu, “nồi da nấu thịt” hậu Cần Vương.

Năm 1893, Đào Hữu Ích được thăng làm Tuần phủ Trị - Bình (gồm hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình), là quan đứng đầu tỉnh, có phẩm hàm Tòng Nhị phẩm, với chức trách giữ việc tuyên bố đức ý triều đình, vỗ yên nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại.

Trong thời gian này, thực dân Pháp bắt dân hai tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình góp tre, gỗ để xây dựng cảng Gio Hải - huyện Gio Linh (nay là cảng Cửa Việt). Ông bí mật vận động nhân dân không góp hoặc góp không đủ với lý do tre còn non, gây khó khăn cho thực dân Pháp trong việc xây dựng bến cảng Gio Hải.

Nhân dân hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình rất biết ơn ông bởi nhờ ông mà làng xóm ở đó tránh được tiêu điều xơ xác do áp bức, bóc lột, thực dân Pháp bị giảm sức mạnh khi không thể dùng cảng này để chuyên chở các tài sản, khoáng sản ra nước ngoài.

Vị Thượng thư thương dân hết mực

Dù khi làm quan trọng thần, cũng như khi cáo lão về quê, đứng trước những bất trắc, khổ hạnh, oan trái của người dân, Ông luôn tìm mọi cách để giúp đỡ.

Trong thời gian làm Tuần phủ Trị - Bình, ông đề nghị và được Vua chấp thuận miễn, giảm thuế cho địa phương nơi mất mùa do hạn hán.

Tại trấn Lao Bảo tỉnh Quảng Trị có 63 tù phạm vốn là những tên cướp khét tiếng vượt ngục bỏ trốn, làm lòng dân hoang mang, sợ hãi. Với trách nhiệm là viên quan đứng đầu tỉnh, ông đã nghiêm sức cho các hạt, các tổng và làng xã tăng cường lùng bắt, trừ hại cho dân.

Dân làng Kẻ De (nay là xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn còn truyền tụng mãi câu chuyện thời bấy giờ. Họ bị tên Chánh tổng và bọn cường hào ác bá trong làng ức hiếp phải nộp sưu cao thuế nặng. Khi họ không nộp thì bị bọn thực dân Pháp và lũ tay sai cho lính về đàn áp, khủng bố. Vốn thuở nhỏ lao động cực nhọc, hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi vất vả và thương dân.

Trước tình thế đó, lòng trắc ẩn đã thôi thúc cụ Thượng Đào trực tiếp đến huyện đường Hương Sơn gặp Tri huyện. Cụ yêu cầu về điều tra sự lộng hành của bọn cường hào, thống kê lại số ruộng đất và dân đinh cho chính xác. Kết quả là tên Chánh tổng và bọn cường hào bị vạch mặt, nhân dân Kẻ De tránh được sự áp bức bóc lột của bọn chúng.

Dân làng Phúc Dương (nay là xã Sơn Trung và xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn) trồng cây hoa màu như ngô, đậu, lạc trên vùng đất pha cát rộng lớn. Thực dân Pháp đã quyết định trồng đay vì phù hợp với đất pha cát. Người dân Phúc Dương không chỉ nguy cơ mất trắng ruộng đồng, mà khi đã trồng đay, đất bị tác hại lâu dài và khó phục hồi trở lại. Thương cảm người dân sẽ rơi vào cảnh đói nghèo, với uy tín của mình, ông đã trực tiếp dùng uy tín và mưu trí, thuyết phục khiến thực dân Pháp từ bỏ ý định trồng đay, giúp người dân thoát khỏi cảnh cơ cực, khổ ải trong gang tấc.

Danh nhân Đào Hữu Ích đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao thế hệ con cháu noi theo, học tập về phẩm hạnh và mục đích sống. Đặc biệt là những hậu duệ của Cụ Thượng Đào trên mọi miền đất nước, luôn cố gắng, phấn đấu góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tiếp nối truyền thống, tinh thần Thượng thư Đào Hữu Ích, hết lòng vì nước, vì dân.

Đọc thêm

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Lâm Đồng

Phỏng vấn trực tiếp ngay tại chương trình.
(PLVN) - Chương trình Tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hướng nghiệp diễn ra chiều 11/12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã thu hút hơn 500 học sinh cùng đông đảo phụ huynh, người lao động, cơ sở đào tạo tham gia. Đặc biệt, 7 đơn vị tuyển dụng là các doanh nghiệp đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đem tới chương trình hàng trăm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.