[links()]Tư duy đúng là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có bệnh và bệnh nặng mới đưa đi viện thì nảy sinh hàng loạt những bất cập. Có không ít trường hợp bệnh nặng quá hay bệnh tình phức tạp khiến viện cấp tỉnh không thể chữa trị mới chuyển lên tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải viện tuyến trên...
Hình chỉ mang tính minh họa |
Nghịch lý trên dẫn đến việc ngành Y là phải đầu tư cho y tế cơ sở, phải phát triển các bệnh viện vệ tinh. Bởi ở đây xử lý tốt vừa đảm bảo tính mạng cho người bệnh, vừa giảm tải bệnh viện, vừa là bài toán kinh tế y tế phù hợp cho cả người nhà bệnh nhân lẫn của Nhà nước.
Bao nhiêu năm nay tư duy là như thế, nhưng thực tế y tế cơ sở vẫn không đáp ứng được những yêu cầu đó, và câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này vẫn diễn ra hằng ngày. Dù tiền, trang thiết bị y tế được đầu tư và cả chiến lược đào tạo con người, những chủ trương đưa bác sỹ về cơ sở… đều đã và đang làm rầm rộ nhưng bộ mặt y tế cở sở vẫn không được cải thiện là mấy.
Cậu bạn tôi ở quê có con trai lên 3 tuổi bị gãy tay, nhưng nhất quyết phải đưa ra Việt Đức cho bằng được. Hỏi cậu sao không xử lý ở nhà cho đơn giản thì câu trả lời vẫn… không tin ở địa phương. Cái sự không tin ấy không phải là tự nhiên mà nó có những nguyên nhân sâu xa của nó.
Cũng là ông bác ruột của cậu bạn này thấy khó thở, đau tức trong ngực, sút cân và hom hem. Lên bệnh viện tỉnh, chụp chiếu, xét nghiệm bác sỹ kết luận Ung thư phổi giai đoạn cuối. Xem như vô phương cứu chữa. Rồi bệnh viện trả về với những lời khuyên rất tình người: “Thôi đưa bác về chăm, được ngày nào hay ngày ấy…”.
Thấy có gì đó không ổn, và với ý nghĩ “còn nước còn tát”, cả nhà cậu bạn tôi đưa bác ra bệnh viện K Hà Nội như một hy vọng cuối cùng. Vì biết mình bị “ung thư giai đoạn cuối”, bác bạn tôi tinh thần xuống dốc không phanh nên thể trạng vô cùng yếu.
Ra đến viện K, sau hàng loạt các xét nghiệm, chụp chiếu thì… té ra cái u mà các bác sỹ tuyến tỉnh chẩn đoán “ung thư giai đoạn cuối” kia hoàn toàn không phải như vậy. Hóa ra bác bị chỉ là một dấu “áp xe” phổi. Ông bác như chết đi sống lại, bệnh K chuyển sang Viện Lao, sau một thời gian điều trị bằng kháng sinh mạnh, bác ra viện và đến giờ vẫn sống… như chưa hề có bệnh.
Từ “kinh nghiệm xương máu” này mà cả nhà “thề” không bao giờ đến tuyến cơ sở. Và đây cũng chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều điều bất bình thường, phản ảnh một thực trạng đúng về trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ tuyến cơ sở.
Bác sỹ về cơ sở rồi lại tìm cách ra đi. Đào tạo con người nhưng chưa đặt đúng vị trí. Các cán bộ y tế tuyến dưới cũng đi học liên tục nhưng học hoàn thiện chuyên môn thì ít, cốt sao có bằng cấp thì lại nhiều. Máy móc hiện đại trang bị nhưng sử dụng cho có hiệu quả lại là câu chuyện khác. Tất cả những điều này cộng lại, trong đó hạt nhân là trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở không đảm bảo chính là sự phi lý của chủ trương đúng đắn tập trung đầu tư cho y tế cơ sở.
Chừng nào ở tuyến này có bác sỹ giỏi, tận tâm tận lực với nghề thì chừng đó y tế cơ sở mới phát huy được những khả dụng của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bảo Minh