Vô cùng đau xót trước bức tranh quá ảm đạm của thị trường thực phẩm trong nước, không ít người dân đã phải thốt lên: “Bây giờ "chạy trời" cũng không thoát khỏi thực phẩm bẩn”.
Thực phẩm được bày bán bừa bãi trong chợ |
Lộ cái gì… “bẩn” cái đó
Không hề "ngoa" khi khẳng định điều đó. Chẳng phải nhà chuyên môn, chỉ cần nhìn bằng mắt thường chúng ta cũng thấy những cái gì chúng ta ăn, uống hàng ngày đều không đạt chuẩn. Đơn giản là, tất cả các nhà chuyên môn đều khuyến cáo: Nên mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn VSATTP.
Nhưng thực tế, vô khối thứ mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều không đáp ứng tiêu chí này. Các sản phẩm có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi cũng đầy rẫy nguy cơ mất an toàn.
Theo thống kê của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), chỉ tính từ năm 2008 đến nay, hàng loạt vụ “thực phẩm bẩn” được phát hiện ở quy mô lớn như cơn bão melamine trong sữa, thạch rau câu chứa chất tạo đục DEHP độc hại, lạp xưởng làm từ “mỡ thối”, kẹo phát sáng có PAHs, Biphenol-A trong bình uống sữa...
4 tháng đầu năm 2012, một loạt các vụ mất VSATTP cũng được cơ quan chức năng phát hiện gồm thịt chứa chất tăng trưởng, gạo giả... Và chỉ cuối tuần trước thôi, qua thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành TP. HCM đã phát hiện, tịch thu và tiêu hủy hàng trăm kg ô mai các loại không hề có hóa đơn, chứng từ cũng như bao bì, nhãn mác.
Hậu quả của những việc làm trên là rất nghiêm trọng. Bằng chứng là, chỉ tính từ tháng 4 đến nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cả nước đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với tổng số 972 người mắc, trong đó 726 người phải nhập viện và 4 người tử vong.
Đặc biệt, không ít vụ ngộ độc với quy mô lớn, nhiều người mắc do nhiễm vi sinh vật. Điển hình phải kể đến vụ NĐTP tại một đám cưới ở bản Hùm, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La (ngày 12/4) khiến 300 người phải nhập viện cấp cứu. Rồi vụ 200 công nhân Công ty Dream Mekong xã An Cư, Cái Bè, Tiền Giang bị NĐTP sau khi ăn cơm trưa tại Công ty (ngày 16/4) cũng làm cho người dân hoang mang cao độ...
Mầm họa muôn đời…
Người ta càng lo ngại hơn khi đa phần những thực phẩm “bẩn” bị phát hiện là những thứ mà trẻ em ưa dùng. Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế - BV Nhi Trung ương cho biết, khác với người lớn, cơ thể trẻ em có tốc độ phát triển rất nhanh và có các hệ thống cơ quan chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng chưa cao nên nguy cơ ngộ độc cao hơn.
Qua điều tra, trong các loại ngộ độc ở trẻ em thì NĐTP phổ biến nhất, tiếp theo là ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc... Bác sĩ Thục cho biết thêm, những trẻ dưới 2 tuổi bị ngộ độc chủ yếu do thực phẩm được chuẩn bị tại nhà, còn trẻ từ 2-5 tuổi bị ngộ độc do nhiều yếu tố hơn (ở nhà, môi trường, lớp học…). E.coli và Salmonella là 2 tác nhân gây ngộ độc phổ biến nhất.
Hình ảnh được cư dân mạng truyền nhau về nơi sản xuất thạch dừa |
Để đánh giá một cách thực tế ẩn họa của các loại thực phẩm, đồ uống dành cho trẻ nhỏ, cuối năm 2011, Cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ. Kết quả đã phát hiện một số cửa hàng bán sữa xách tay, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn của một số sản phẩm không đúng quy định, không phù hợp với công bố, một số sản phẩm bình bú với đầu vú nhân tạo không có nhãn tiếng Việt…
Vụ việc chưa kịp chìm xuống thì mới đây, ngày 22/5, tại TP. Huế, Công an TP này tiếp tục phát hiện và bắt giữ một số đối tượng trong đường dây nhập lậu, thay đổi nhãn mác sữa Ensure. Theo đó, vì hám lời, đối tượng Tôn Nữ Cẩm Nhung (sinh 1959), ngụ tại 8/358 đường Phan Chu Trinh, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã liều lĩnh thay đổi nhãn mác sữa lon hiệu Ensure loại 237ml tại nhà riêng.
Cũng tại đây, cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ 5.208 lon sữa màu cam; 1.680 lon màu xanh và 505 lon không có nhãn mác; đồng thời thu giữ 50 thùng sữa Ensure loại 237ml đã bị lột nhãn màu vàng dán sang màu xanh và không có nhãn mác. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ nhiều thùng sữa Ensure loại lon, chai và không hề có nguồn gốc, xuất xứ…
Dư luận chưa hết lo sợ cho sức khỏe và tính mạng của con em mình trước vấn nạn sữa giả, sữa kém chất lượng thì lại rùng mình, kinh sợ khi một tờ báo mạng công bố hung tin: Sản phẩm thạch dừa – một loại đồ ăn hiện được rất nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, được sản xuất và chế biến ở Bến Tre đầy nguy cơ mất an toàn vì chúng được các cơ sở sử dụng nước kênh, rạch ô nhiễm để ngâm, rửa; dùng các loại phân bón hóa học (SA, NPK, DP) và hàng chục loại hóa chất độc hại khác để tẩy trắng và bảo quản.
“Đó là những hành vi giết người gián tiếp. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm khắc, nếu không chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ thoái hóa giống nòi một cách nghiêm trọng” – với một tâm trạng vô cùng hoang mang, lo lắng, chị Nguyễn Thị Minh, khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội kiến nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cho rằng, những gì đã và đang diễn ra trên thị trường thực phẩm và dinh dưỡng khiến người tiêu dùng khó có thể an tâm. Tuy nhiên, để tìm câu trả lời cho bài toán này thì lại vô cùng khó. Với chức năng của mình, Vinastas chỉ có thể đưa ra đưa ra bằng chứng, kiến nghị với các nhà quản lý và Chính phủ. Nhưng những câu chuyện, lời đề xuất mà Hội đưa ra lại rơi tõm vào hư không. Còn thị trường thực phẩm thì ngày càng gai góc và ẩn chứa những hiểm họa khôn lường.
Trà Long