Thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em: Sẽ chấm dứt tình trạng không rõ trách nhiệm thuộc về ai

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
(PLVN) - Đó là nhấn mạnh của bà Nguyễn Kim Hoa, Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 5, diễn ra hôm qua (4/6).

Bảo vệ trẻ em 3 cấp độ 

Chia sẻ thông tin về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo quyền trẻ em, bà Hoa cho biết, việc xây dựng chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các địa phương đã quan tâm xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ); các nguy cơ dẫn đến gây tổn hại trẻ em được phát hiện, can thiệp sớm hơn.

Cùng với đó, một số địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã; kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành các cấp và nhóm thường trực bảo vệ trẻ em; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em tăng lên… Các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em được giải quyết kịp thời hơn, các đối tượng xâm hại trẻ em bị xử lý nghiêm minh hơn.

Đáng chú ý, việc “Trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em” cũng đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, trẻ em có nhiều cơ hội hơn để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề của trẻ em tại các diễn đàn trẻ em các cấp; việc thăm dò ý kiến trẻ em, mô hình Hội đồng trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng được thí điểm thực hiện và mở rộng.

Có thể nói, chính sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đã tác động tích cực đến quá trình xây dựng pháp luật, chính sách của một số cơ quan trung ương, chính quyền địa phương…

Bên cạnh những thành quả trên, bà Hoa cũng chỉ ra không ít hạn chế, thách thức trong công tác đảm bảo các quyền của trẻ em. Điển hình là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong hai năm 2017-2018, cả nước có hơn 5.000 vụ với 5.719 đối tượng và 5.317 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới hơn 81% trong các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý.

“Tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội; 63/63 tỉnh, thành phố, đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em” - bà Hoa cho hay. Điều đáng nói, nơi xảy ra các hành vi xâm hại chủ yếu là ở cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em.

Ngoài ra, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn ở mức cao, trung bình mỗi năm có hơn 6.000 trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; vẫn còn một bộ phận trẻ em phải lao động kiếm sống, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Đặc biệt, trong khi những tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của trẻ em đến từ sức ép học hành, thi cử, internet, mạng xã hội… có xu hướng tăng thì chúng ta lại đang thiếu quy chuẩn và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế

Đề ra những giải pháp trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng trên, bà Hoa cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em, trong đó ưu tiên: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng quy trình tư pháp thân thiện đối với trẻ em. Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Các bộ, ngành cần bám sát tình hình thực tiễn về thực hiện quyền trẻ em thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở trong việc thực hiện quy định của pháp luật về trẻ em, đặc biệt các vấn đề trẻ em phức tạp, mới phát sinh; xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em, lao động trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, dịch vụ khám chữa bệnh và chất lượng khám chữa bệnh cho trẻ em. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, cần tăng cường việc kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ đối với việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Bảo đảm nguyên tắc “ba nhất”: Hỗ trợ tốt nhất, Can thiệp kịp thời nhất và Xử lý nghiêm nhất. Tăng cường gặp mặt, đối thoại giữa đại diện trẻ em và lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. 

Vẫn theo bà Nguyễn Kim Hoa, Luật Trẻ em (có hiệu lực thi hành đến nay đã tròn 3 năm) và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm chủ trì và phối hợp, cụ thể quy trình bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, một số quy định của Luật, đặc biệt về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường, cá nhân vẫn chậm được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Trên thực tế vẫn còn tình trạng dồn trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị chủ trì hoặc chỉ khi Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn thì địa phương mới vào cuộc và không làm rõ, xử lý cá nhân chịu trách nhiệm. 

Nhằm tăng cường hơn nữa việc bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg, đôn đốc, nhắc nhở các bộ, ngành, UBND các cấp và đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan trung ương của các đoàn thể, tổ chức xã hội cùng với việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em cần cụ thể, quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng, chống xâm hại trẻ em. 

“Nghiêm túc thực hiện Luật Trẻ em và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và sâu sát, quyết liệt trong giám sát, thanh tra, kiểm tra… chúng ta sẽ giải trình trước dư luận xã hội về việc nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, ngành, cấp đều có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nhưng khi vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra không rõ trách nhiệm thuộc về ai” - bà Hoa nói.

 

Liên quan đến việc bảo trợ trẻ em trong thời gian gần đây, có một vài vụ nổi lên như vụ em học sinh tiểu học đứng ở ngoài cổng trường giữa trời nắng vì chưa đến giờ vào lớp… thì có rất nhiều thông tin trái chiều. Tôi cho rằng trách nhiệm bảo vệ trẻ em không chỉ có nhà trường mà còn có gia đình và cộng đồng; ở đây tôi thấy trách nhiệm của gia đình rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em. Hoặc một vụ việc gần đây tôi rất đang băn khoăn là trước sự việc một trẻ em bị thiệt mạng do cây phượng đổ trong sân trường thì xuất hiện tình trạng các trường học chặt cây; một số trường còn đưa hình ảnh lên các trang Facebook không chính thống. Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông điều hướng dư luận xã hội để làm sao những hình ảnh đó được tốt đẹp hơn, mang tính phòng ngừa nhiều hơn là chỉ phản ánh những hình ảnh cụ thể về tình trạng chặt cây tại các trường học…

Bà Nguyễn Kim Hoa, Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.