Khởi động chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam
Năm 1972, lãnh đạo từ 113 quốc gia đã tụ họp tại Stockholm (Thụy Điển) trong hội nghị lần đầu tiên của Liên Hợp quốc về môi trường, đi đến kết luận “hoạt động con người sẽ quyết định tương lai của chúng ta”. Hội nghị Stockholm của 50 năm sau (Stockholm+50) ghi nhận thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học.
Hướng tới Stockholm+50, Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện về môi trường, gần đây nhất là Lễ khởi động chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam, do Đại sứ quán Thụy Điển; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Được biết, Việt Nam nằm trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu.
Chương trình tham vấn Stockholm+50 tại Việt Nam bao gồm một loạt hoạt động trên toàn quốc cho đến tháng 6 nhằm thu thập ý kiến của người dân Việt Nam về ba vấn đề khí hậu “nóng” hiện nay: phát triển các giải pháp dựa vào tự nhiên, chuyển dịch năng lượng xanh và công bằng, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững.
Khuyến nghị từ các cuộc tham vấn sẽ được tổng hợp thành Báo cáo của Việt Nam và góp phần định hình các thông điệp cho hội nghị toàn cầu Stockholm +50 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà loài người đang phải đối mặt, cũng như khẳng định cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26). Đáng chú ý, chuỗi tham vấn đặc biệt chú trọng đến giới trẻ Việt Nam, nhằm góp phần xây dựng một báo cáo đưa tiếng nói của giới trẻ tới các lãnh đạo quốc gia và toàn cầu.
Nằm trong chuỗi tham vấn quốc gia, mới đây buổi tham vấn trực tuyến dành cho các thanh niên đến từ khu vực miền Bắc đã quy tụ hơn 40 bạn trẻ để cùng nhau chia sẻ kiến thức, thảo luận về các giải pháp cấp thiết mà thanh niên Việt Nam cần hành động ngay bây giờ. Nhiều ý kiến cho rằng, thanh niên hiện nay có nhiều lợi thế về công nghệ và giáo dục nên có thể ngay lập tức cập nhật kiến thức, học hỏi từ các phong trào giới trẻ trên thế giới, tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về môi trường, tham gia trồng rừng một cách tích cực,… Tuỳ theo khả năng và điều kiện của mỗi người, thanh niên có thể hành động ngay để khẳng định quan điểm và quyết tâm của bản thân trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Thế giới đang đứng trước 3 cuộc khủng hoảng môi trường và khí hậu nghiêm trọng. (Ảnh: UNDP) |
Phát huy vai trò của thanh niên
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng về bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Tại Điều 153 quy định nội dung, chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, pháp luật hiện hành yêu cầu phải đưa các vấn đề môi trường vào chương trình đào tạo của học sinh, sinh viên, từ bậc mầm non đến đại học.
Điều đó đã cho thấy vai trò lớn lao của lớp trẻ với tư cách là những “chủ nhân tương lai của đất nước”. Đặc biệt đối tượng thanh, thiếu niên hiện được đánh giá là đã có hiểu biết ở mức độ vừa phải về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Kèm theo đó là nguồn năng lượng dồi dào và nhiệt huyết.
Có thể thấy, rất nhiều hoạt động vì khí hậu xuất phát từ giới trẻ trong những năm gần đây. Đơn cử như các chiến dịch giảm thiểu đồ nhựa một lần, chiến dịch trồng cây xanh, chiến dịch làm sạch biển, sông, hồ… đều nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ.
Một ví dụ điển hình khác là chiến dịch nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Anh tại Việt Nam trong năm 2021 đã nhận được gần 800 sáng kiến về bảo vệ môi trường và hành động vì khí hậu đến từ nhiều bạn trẻ đang theo học bậc trung học phổ thông và đại học chỉ sau 20 ngày phát động.
Hoạt động tham vấn quốc gia sẽ lan rộng trên cả ba miền với mục đích giúp thanh niên hiểu rằng, những hành động nhỏ bé hằng ngày như không sử dụng túi nilon, hạn chế dùng đồ nhựa,… có thể thay đổi được rất nhiều thứ trong tương lai. Từ thay đổi nhận thức sẽ dẫn tới thay đổi về hành động. Ví dụ, khi người tiêu dùng không còn ưa chuộng các sản phẩm nhựa, các nhà cung cấp buộc phải chuyển đổi sang sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương và góp phần vào sự phát triển của một nền kinh tế bền vững.