Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021.
Trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả THTK, CLP năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhìn tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ, kết quả đạt được là cơ bản, nhưng có lúc, có nơi, có việc còn bất cập, kết quả đạt được chưa cao; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung kiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP; các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh COVID-19.
Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.
Tuy nhiên, kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc ban hành văn bản quy định chi tiết về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực để có hiệu lực đồng thời với văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản và trên môi trường mạng còn phức tạp.
Ngoài ra, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chậm cả ở khâu lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện. Còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị. Vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp nhất là trong nông nghiệp…
Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính, Ngân sách của QH cho rằng, các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp THTK, CLP đã phát huy hiệu quả, góp phần đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN, tạo nguồn lực quan trọng trong khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Thường trực UB Tài chính, Ngân sách nhận thấy, theo báo cáo của Chính phủ trình QH tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021), ước thu ngân sách trung ương năm 2021 hụt thu khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ báo cáo thu ngân sách trung ương ước tăng 6,7% so với dự toán, thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý thu NSNN trong những tháng cuối năm 2021, song điều này cũng thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn.
Bên cạnh đó, mặc dù QH đã có Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn diễn biến phức tạp. Việc chậm phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu; gây lãng phí lớn về nguồn lực NSNN và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Thường trực UB Tài chính, Ngân sách cũng chỉ rõ, việc quản lý, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách mặc dù đã được các bộ, ngành quan tâm rà soát, sắp xếp. Tuy nhiên, số lượng các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn lớn, một số quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hẹp; có quỹ chưa được bổ sung đủ vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; có quỹ có số dư lớn phải tạm dừng việc tổ chức thu do nhu cầu sử dụng quỹ chưa hết. Quỹ phát triển khoa học công nghệ của một số doanh nghiệp có số dư còn cao do vướng mắc về cơ chế sử dụng dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Chủ tịch QH góp ý vào báo cáo. |
Góp ý vào báo cáo, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ghi nhận một số kết quả đạt được, nhưng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác THTK, CLP. Đáng chú ý, việc chậm ban hành văn bản quy định về định mức, đơn giá làm gia tăng tình trạng lãng phí trong đầu tư công, thực hiện dịch vụ công; trong đầu tư công, tại sao năm 2020 dịch dã như thế mà giải ngân được 98%, năm 2021 giải ngân được 83%, 3 tháng đầu năm 2022 mới được 11%...
“Phải nói cho rõ việc này, cứ 3 sôi 2 lạnh, nói chung chung không ai nghe đâu”, Chủ tịch QH nêu và yêu cầu phải nói thẳng, không giấu giếm, tốt thì biểu dương, kém thì phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Như với hai dự án lớn của quốc gia là sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 hiện chậm tiến độ thế nào, giải ngân bao nhiêu %; địa phương, bộ, ngành nào còn nhiều dự án cần đưa thẳng vào…
Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, công tác THTK, CLP năm 2021 có một số tiến bộ so với năm 2020 dù bị tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn sai sót trong cả 7 lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, nhất là trong lĩnh vực quản lý NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai… Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 được Chính phủ nêu trong báo cáo và UB Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh thêm trong báo cáo.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đề nghị cụ thể hoá hơn những giải pháp đẩy mạnh THTK, trong đó nêu kỹ các giải pháp rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hoá; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu; nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất tiết kiệm của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp…