Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Dành hơn 5 tiếng đồng hồ lắng nghe ý kiến của 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên cũng như các bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc vào lúc hơn 13h, Thủ tướng nhìn nhận 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu lớn trên nhiều mặt, có mặt vượt bậc.
Tuy nhiên, các địa phương đối diện một số thách thức như phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu… vượt quy hoạch, ảnh hưởng đến nước tưới, giảm năng suất, dư thừa cung. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương không được phá rừng, cả rừng nghèo, để làm cây công nghiệp mà phải thâm canh, tái canh.
Thủ tướng cũng chỉ ra việc phát triển các nhà máy thủy điện quá mức, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giảm diện tích rừng đầu nguồn. “Do đó cần đặt ra vấn đề phát triển bền vững”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, nhất là quản lý rừng, nông lâm trường chưa đạt hiệu quả.
Giao thông nội vùng và đối ngoại nhìn chung còn thiếu và yếu, do đó, chi phí vận chuyển cao, sức cạnh tranh giảm, khó thu hút đầu tư và gây khó khăn trong hợp tác vùng. Thiếu cơ chế liên kết vùng hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp trong vùng còn thấp.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển đối với vùng là phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển. “Muốn ổn định thì phải phát triển”, nếu để cuộc sống người dân nghèo đói, khó khăn quá thì vấn đề đặt ra rất phức tạp. Và quan điểm nữa là phát triển xanh, chống sa mạc hóa Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Trung… “Nếu cả một Tây Nguyên xanh, cả miền Trung xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hết sức sâu sắc như thế này thì chúng ta yên tâm”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhất trí với các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu phân vùng hợp lý hơn, cần có cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn, cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cơ cấu lại các ngành, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch. Khôi phục, phát triển kinh tế rừng.
“Nếu không có rừng ở đây thì nước cho Tây Nguyên, cho miền Trung, cho Đông Nam Bộ rất khó khăn”, Thủ tướng nói. Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả, có doanh nghiệp làm nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân là chủ thể. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khu vực này cần quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba đột phá chiến lược cùng với đổi mới sáng tạo cần áp dụng cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, để tháo gỡ nút thắt trong phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải tự cân đối được ngân sách.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến của nhiều địa phương đề cập đến vấn đề liên kết vùng, phối hợp triển khai quy hoạch vùng và các quy hoạch quốc gia trên địa bàn vùng khi đây là một trong số nguyên nhân, tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi địa phương, là điểm cần tháo gỡ.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, rào cản lớn nhất làm cho liên kết vùng chưa hiệu quả chính là lợi ích kinh tế của các địa phương được phân theo địa giới hành chính của mỗi địa phương. Thiếu cơ chế và tổ chức thích hợp điều phối quan hệ hợp tác và liên kết giữa các địa phương. Để có mô hình liên kết vùng hiệu quả thì các địa phương cần thoát khỏi tư duy địa giới hành chính địa phương, lợi ích cục bộ. Ngoài ra, không thể thiếu vai trò chỉ đạo, định hướng và điều tiết các hoạt động liên kết vùng của Trung ương.
Tỉnh Đắk Nông kiến nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên sau năm 2020, trong đó chú trọng hơn về phát triển kinh tế, liên kết vùng, chính sách ưu đãi đặc thù.
Chính phủ cần tạo cơ chế khuyến khích liên kết tự nguyện giữa các đại phương, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói và đề xuất Hội đồng vùng do một Phó Thủ tướng trực tiếp lãnh đạo. Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xây dựng hệ thống giám sát đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp địa phương.
Tỉnh Kon Tum kiến nghị Trung ương quan tâm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên, đầu tư tuyến đường sắt nối vùng “nóc nhà Đông Dương” với các tỉnh duyên hải miền Trung.