Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định 2 năm nay nông nghiệp hữu cơ có tốc độ phát triển nhanh cả về mạng lưới, lẫn quy mô. Hiện đã có 33 tỉnh thành phố tham gia sản xuất NNHC với trên 76 ngàn ha đóng góp trực tiếp cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thị trường quan trọng
Thủ tướng nhấn mạnh phải nhận thức NNHC là bộ phận quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Và NNHC của Việt Nam không chỉ có sữa, dược liệu, trái dừa mà rau củ quả cũng còn rất nhiều, đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi.
“Nông nghiệp phải thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công. Nông dân, nông thôn là vấn đề rất nóng bỏng trong phát triển đất nước hiện nay. Chúng ta phải tập trung nghiên cứu vấn đề này, trong đó đặc biệt phải nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả”- Người đứng đầu Chính phủ phát biểu.
Theo Thủ tướng, hiện nay tầng lớp trung lưu của Việt Nam chiếm khoảng 30% dân số và theo tính toán tầng lớp trung lưu đến năm 2030 sẽ tăng lên con số khoảng 50%. Thủ tướng đánh giá đây là thị trường rất quan trọng cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chứ không hoàn toàn chỉ hướng tới XK.
“Có ý kiến nói nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ cho người giàu, cho xuất khẩu là chưa đúng. Sản phẩm NNHC phải hướng tới cung cấp cho một cộng động dân cư rộng lớn chứ không phải chỉ dành cho người giàu. Vì vậy, có thể nói thị trường cho nông nghiệp hữu cơ là còn rất lớn, rất nhiều tiềm năng.” - Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Phải bài bản, khoa học
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nông hộ sản xuất theo mô hình VAC, các HTX, cộng đồng DN hay các tập đoàn lớn đều có thể có mô hình riêng để làm nông nghiệp hữu cơ. Để tạo điều kiện cho NNHC phát triển. Thủ tướng cho biết sắp tới Chính phủ sẽ có Nghị định riêng về NNHC, giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển NNHC trong giai đoạn 2018-2025 để thực hiện một cách bài bản, hệ thống, không phải để phát triển tự phát, “trăm hoa đua nở”.
Thị trường cho nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều tiềm năng. Ảnh minh họa |
Về định hướng, người đứng đầu Chính phủ khẳng định phải có nhận thức đúng đắn về nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp phi hữu cơ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
“Chúng ta cần có một nhận thức đúng đắn và thống nhất về triển NNHC. Bên cạnh những ưu điểm nổi trội của NNHC chúng ta cũng cần thống nhất nhận thức nông nghiệp phi hữu cơ với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia, không thể xem nhẹ. NNHC sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết để cho cho nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới. Và như thế NNHC không phát triển theo phong trào, chưa thể thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà sẽ phải phát triển hết sức bài bản, khoa học.” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính phủ khẳng định: Trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất thực phẩm thích hợp với yêu cầu từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, trong đó ưu tiên những cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao gắn với du lịch sinh thái.
“Chúng ta phát triển NNHC với tỷ lệ nào là phù hợp? Vấn đề này tôi giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển NNHC giai đoạn 2018-2025 trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong đầu năm 2018. Đề án nhằm định hướng và cụ thể hóa các hoạt động để thúc đẩy phát triển sản xuất NNHC trong giai đoạn tới, nhưng phải đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn” - Thủ tướng yêu cầu.
Thống kê cho thấy, trên thế giới, hiện có khoảng 50 triệu ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ, gần đây xu thế này phát triển khá nhanh, tạo nên thị trường nông sản hữu cơ, giá trị thương mại gần 100 tỷ USD, nhất là ở các nước phát triển.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, sản xuất NNHC là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ sức khỏe con người. Phát triển NNHC đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó. Trong các biện pháp thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, biện pháp hàng đầu phải hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Người đứng đầu Bộ NNN&PTNT cho hay cơ quan này đang phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Nghị định nông nghiệp hữu cơ để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
Những mô hình nông nghiệp hữu cơ đầu tiên
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 33/63 tỉnh thành đã triển khai sản xuất NNHC và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất với hơn 3000 ha chủ yếu là dừa và Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn nhất với 448 ha nho, táo, rau.
Năm 2013, các DN sản xuất rau củ quả hữu cơ đã triển khai lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế để bán sản phẩm trong nước như: Hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica áo dụng tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và Châu Âu cho trang trại rau Long Thành, Đồng Nai; Tiêu chuẩn USDA_NOP và EC 834/2007 tại trang trại rau FVF, trang trại dược liệu TH tại Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nghệ An của tập đoàn TH. Bên canh đó, nhiều DN đầu tư sản xuất NNHC có sản phẩm cũng đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung QUốc như: Cty Viễn Phúc sản xuất lúa gạo hữu cơ, Cty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ, Cty TH Herbals xuất khẩu nguyên liệu thảo dược…