Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
(PLO) - Sáng 31/12, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2017).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, Đà Nẵng cùng với Quảng Nam là vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, là quê hương trung dũng kiên cường, nơi có Mẹ Nhu, Mẹ Thứ và biết bao bà mẹ giàu đức tính hy sinh, biết bao anh hùng, nghĩa sĩ, chí sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương, dốc trọn đời tâm huyết với đất nước này.

Trải qua hành trình 20 năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn lên những tầm cao mới, đạt được vị thế mới. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã đạt được. 

Hai mươi năm chia tách hành chính giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng trong trái tim và khối óc của người dân 2 địa phương, Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn mãi mãi là vùng đất “chưa mưa đã thấm, rượu Hồng đào chưa nhắm đã say”.

Những thành công của Đà Nẵng hôm nay có sự chia sẻ, đóng góp của Quảng Nam và ngược lại. Ít có vùng đất nào trên thế giới có mật độ dày đặc các di sản thiên nhiên, di sản thế giới, các điểm đến phong phú, độc đáo, hấp dẫn, tầm cỡ quốc tế về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh như Quảng Nam và Đà Nẵng.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, Thành phố cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI; phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. “Không cần một chính quyền lớn, chỉ cần một chính quyền mạnh, tức là có khả năng can thiệp và quản trị hiện đại”, Thủ tướng nêu rõ. 

Hai là, Đà Nẵng cần xác định rõ tầm nhìn chiến lược xây dựng một thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp dựa trên các thể chế, cơ chế chính sách đột phá, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao… Thành phố phải trở thành một trung tâm giao thương quốc tế, một thành phố du lịch - dịch vụ có thể cạnh tranh với các thành phố lớn, hiện đại của khu vực và thế giới như Singapore, Hongkong...

Tuy nhiên, thay vì sao chép, lặp lại mô hình đô thị ở đâu đó, Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt, hay nói cách khác là sự thực hiện một chiến lược khác biệt, tức là phải trở thành một thành phố “độc nhất vô nhị” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, một thành phố có dáng hình, bản sắc độc đáo như ca từ rất đẹp của một bài hát: Cho lòng ta bao đắm say / Cho đời ta bao nỗi nhớ / Núi trong lòng thành phố / Phố trong lòng biển khơi / Đà Nẵng ơi, tình người. 

Thành phố cần tìm cho mình hướng đi tiên phong, cách làm mới trong xây dựng thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp, tạo hình mẫu, có sức lan tỏa cao cho toàn vùng và cả nước. Đà Nẵng phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp. Phấn đấu đạt 40.000-45.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Ba là, với lợi thế đặc biệt là truyền thống của người dân xứ Quảng luôn dấn thân vì quê hương, không ngừng tìm tòi cái mới, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đà Nẵng phải đi đầu trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến nền giáo dục khai phóng, kế thừa và phát huy tư tưởng “nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, không ngừng xây đắp nguồn nhân lực mạnh cả về lượng và về chất có khả năng hội nhập quốc tế, là hậu duệ xứng đáng của các bậc tiền bối xứ Quảng năm xưa như các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên…

Bốn là, Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội).

Năm là, các cấp ủy, chính quyền Thành phố cần không ngừng nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các sở, ngành, địa phương, tiếp tục xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp. Mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách tốt nhất nhằm sử dụng và phát huy nhân tài, kể cả người nhập cư, người chưa vào Đảng. 

Sáu là, phải tăng cường liên kết và hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Trung Trung bộ, gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, trong đó Đà Nẵng phải xứng đáng là hạt nhân của vùng. Để làm được điều đó, Đà Nẵng cũng như các địa phương trong vùng cần phải tiên phong và mẫu mực trong việc xóa bỏ suy nghĩ cục bộ, địa phương, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá vỡ động lực, sức hấp dẫn, dẫn đến ảnh hưởng về phát triển. Thay vào đó, cần phải phân công hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế và hạn chế bất lợi của nhau.

Bảy là, trong rất nhiều năm, Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Đà Nẵng không nên chỉ so sánh với các địa phương khác trong nước rồi tự mãn với vị trí hiện tại, thay vào đó Đà Nẵng cần phải nghĩ lớn hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ của địa phương và Việt Nam, phải phấn đấu để gia nhập nhóm các thành phố cạnh tranh toàn cầu theo xếp hạng của nhiều tổ chức quốc tế.

“Mỗi cán bộ, từ lãnh đạo, đến mọi người dân Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung luôn luôn khắc trong tâm, trong trí, trong trái tim và trong các hoạch định chính sách kinh tế, ngoại giao, chính trị về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tương đương với 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng. Đó chính là huyện đảo Hoàng Sa thân yêu, máu thịt của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh./.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc tại khu dân cư khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Tuyên bố chung Việt Nam - Peru

Tuyên bố chung Việt Nam - Peru
Nhân dịp Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra, ngày 13/11 theo giờ địa phương, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ song phương giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Peru. Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

Hội thảo khoa học quốc gia 'Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn'

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
Ngày mai - 15/11, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.

Việt Nam - Peru hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới

Lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường tại Sân bay Quốc tế Jorge Chávez ở Lima, Peru. (Ảnh: TTXVN).
(PLVN) - Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 50 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 50 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Từ ngày 11 đến ngày 13/11/2024,tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 50. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Giao địa phương cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. (Ảnh: Phạm Thắng)
(PLVN) - Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm, cơ chế giải quyết những dự án trước; đồng thời mạnh dạn giao địa phương có cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng để dự án có thể bảo đảm tiến độ đề ra.

Chủ tịch nước đến Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch nước đến Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 15h45 chiều 12/11 theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Jorge Chavez ở thủ đô Lima, bắt đầu đầu chuyến thăm chính thức Cộng hoà Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra.