Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Đây là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa các lợi thế đặc biệt, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh Tiền Giang, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo Quy hoạch, tỉnh Tiền Giang phải đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Tiền Giang. |
Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực. Đồng thời, Tiền Giang còn là trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ. Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch tỉnh nhằm tập trung khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tổ chức lại các hoạt động kinh tế - xã hội: với 3 vùng kinh tế - đô thị, 4 hành lang kinh tế, 2 vùng động lực về phát triển công nghiệp; mở rộng không gian ven biển trở thành khu vực động lực của tỉnh; phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng: công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tiến đến hiện đại, dịch vụ hiện đại tạo ra giá trị gia tăng cao.
Kế đó, huy động nguồn lực để tập trung xây dựng, tạo đột phá về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo đột phá phát triển một số ngành, lĩnh vực, khu vực có lợi thế; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị. |
Ông Nguyễn Văn Danh - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết: Nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến dưới thuyền”; Có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và vùng Đông Nam bộ. Cạnh đó, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Tiền Giang xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: Hai tâm là: Trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước; Một dãy là: dãy ven sông Tiền quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, chủ yếu phát triển du lịch;
Bốn hành lang kinh tế là: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Hành lang kinh tế dọc theo tuyến Quốc lộ 1, Hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50 và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Ba đột phá chiến lược là: Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.
"Với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; xây dựng môi trường đầu tư thực sự năng động, nâng cao mức độ hài lòng của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, "Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ", ông Nguyễn Văn Danh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Danh - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Tiền Giang phải tập trung vào 1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh. Theo đó, một trọng tâm là huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, đột phá các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu.
Hai tăng cường là tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi trọng bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Ba đẩy mạnh là đẩy mạnh phát triển các hạ tầng chiến lược, bao trùm, toàn diện các hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông và chống biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ các ngành sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo sự ổn định và phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển đô thị nhằm khai thác tốt vị trí trung tâm vùng ĐBSCL của tỉnh với hệ thống đường bộ kết nối toàn vùng; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển.
Tập trung phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, du lịch theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Cập nhật, hoàn thiện cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư. Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực như: Chế biến nông, thủy sản, thực phẩm, y - sinh - hóa - dược, chế biến, chế tạo, xây dựng, năng lượng tái tạo.
"Việc thực hiện quy hoạch tỉnh dựa trên nền tảng vững chắc của đất nước. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này tạo cho chúng ta có niềm tin, hy vọng trong quá trình phát triển. Mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều chỉ số thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao Quyết định đầu tư dự án. |
Trao Chủ trương nghiên cứu dự án. |
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án tỉnh đã thu hút được. Trao Chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư đã được nhà đầu tư quan tâm, khảo sát để lập hồ sơ đăng ký thực hiện.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang giới thiệu Danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 thuộc các lĩnh vực như: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án), Thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án), Công nghiệp (12 dự án), Kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án), Nông nghiệp (3 dự án).
Một số chỉ tiêu theo Quy hoạch tỉnh đến năm 2030:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,0 - 8,0%/năm.
Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5 - 43,5%; ngành dịch vụ chiếm 29,5 - 30,0%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 21,5 - 23,5%.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,1 - 0,2 điểm % mỗi năm.
100% đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45 - 47%.
Về quốc phòng, an ninh: bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Các đột phá phát triển:
Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh.