Pháp luật nhân văn đối với người phạm tội dưới 18 tuổi…
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, trong nghi án hiếp dâm nữ sinh lớp 9 ở Thanh Hóa, các nghi phạm và nạn nhân đều đang học lớp 9, thông thường sẽ trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi cho đến dưới 16 tuổi, là người chưa thành niên. Do đó, việc xử lý vụ việc sẽ phải thực hiện theo các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự về việc xử lý trách nhiệm hình sự và thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Do những đặc điểm về nhận thức, sự phát triển tâm sinh lý của người vị thành niên nên Luật hình sự Việt Nam có nhiều quy định mang tính chất nhân đạo, khoan hồng, nhân văn đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Theo đó, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội “chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”, “việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm”; “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.”; “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa”; “Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”; “Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.” (Điều 91 Bộ luật hình sự).
Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, tại Chương 12 (từ Điều 90 đến Điều 107) của Bộ luật hình sự đã có những quy định riêng biệt đối với việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. |
Tương tự như vậy, tại Chương 28 (từ Điều 413 đến Điều 430) Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã có những quy định riêng biệt về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, với các nguyên tắc tố tụng như: “Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” ; “Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; “Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.”.….
…Nhưng chế tài vẫn đảm bảo mức răn đe
Hiện giờ cơ quan Công an chưa khởi tố vụ án, vẫn đang trong quá trình xác minh. Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, trong vụ việc này, việc các gnhi phạm có tội hay không, nếu có thì sẽ bị xử lý ra sao thì còn phải chờ vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, căn cứ vào các thông tin ban đầu thì người bị hại là trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Do đó, nếu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh các nghi phạm đã nhiều lần có hành vi hiếp dâm, tức là có một trong các hành vi như: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” trái với ý muốn của nạn nhân và làm cho nạn nhân có thai, thì đã phạm vào “tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, với các tình tiết định khung tăng nặng là “làm nạn nhân có thai” và “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự thì đây là loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, mặc dù các nghi phạm đều trong độ tuổi từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (là người chưa thành niên) nhưng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 và Điều 90 Bộ luật hình sự, nếu có đầy đủ chứng cứ kết tội thì các nghi phạm này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Nếu bị Tòa án tuyên là có tội, thì theo quy định tại Điều 101 và Khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự, các nghi phạm có thể phải đối diện với mức hình phạt (không quá không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định) là không quá 10 năm tù.