Anh yêu, sáng nay thấy em buồn, đứa bạn gái cùng phòng rủ đi chơi chợ Tết. Cứ ngỡ nó liều rủ em trốn việc, ai ngờ cô bạn lại link cho em tới blog của một người xa lạ. Bài viết trên blog rất hay, như một lời chia sẻ với những bà nội trợ như em trước một cái Tết đang sầm sập đến gần mà vẫn loay hoay chưa biết tính sao trước những mối trĩu nặng từ lo gà qué bánh trái, lo chợ búa nội ngoại, lo cho những mối ân tình, rồi đến lo trả nợ...
Chiều qua, đi làm về, chắc nhìn nét mặt không vui của em, anh đã buông ra một câu đùa: “Trăm triệu có đủ sắm Tết không em?”. Đã định gắt với anh rằng không nên đùa thế, vừa chạnh lòng lại dễ gây ra hiểu lầm không hay. Nhưng rồi, chợt thấy thương anh cũng nào sướng với trách nhiệm, nghĩa vụ của người chồng, người cha, người con trưởng trong nhà, nên em cũng phóng lời đùa lại: “Ôi, sao mà đủ, nhưng thôi có vậy thì em cũng chỉ lấy chín chục thôi, còn đâu, tùy anh tiêu”. Vốn bản tính vô tư của người trẻ, vợ chồng mình đã sớm quên lời đùa “đại khoác” đó.
Nhưng rồi, sáng trước lúc đi làm, mẹ kéo em lại nhỏ giọng chuyện trò. Mẹ bảo, mẹ tính, vợ chồng mình nên tiêu ít chỗ trăm triệu ấy thôi. Còn thì để dành mà mua nhà, rồi về giúp cho mấy đứa em, không thì giúp bố mẹ sửa sang nhà cửa.
Nghe mẹ nói, em vừa giận lại vừa thương... mình. Thương vì cả vợ chồng đều đồng lương công chức ba cọc ba đồng, khó khăn lắm mới thuê nhà trụ lại thành phố. Ăn tiêu, biếu xén gì nội ngoại cũng phải suy nghĩ, tằn tiện. Giận vì phút lỡ đùa của cả hai vợ chồng đã khiến mẹ tưởng thật, để rồi bây giờ dù giải thích thế nào mẹ cũng không tin, lại cho rằng con cái ích kỉ, sống chỉ biết mình.
À mà anh biết không, bà ngoại cu Ki vừa gọi điện thông báo, năm nay vợ chồng chị gái em được về quê ăn Tết sớm. Sìn Hồ, Lai Châu nơi chị dạy học trời giá lạnh, trâu bò chết, trẻ con phong phanh manh áo ấm nên bắt chúng đi học cũng chẳng đành lòng. Thầy hiệu trưởng quyết định cho giáo viên nghỉ Tết sớm. Quà Tết chị mang về nhà là tờ lịch mà các giáo viên trong trường đóng góp nhau lại làm cho đỡ tủi. Vì trong họ đã có người cắm bản tới chục năm những vẫn chưa biết tới thưởng Tết là gì.
Chị cũng như các đồng nghiệp về nhà ăn Tết nhưng vẫn không dứt khởi nỗi lo... cuộc sống sau Tết. Bởi lẽ tiền lương đã được lĩnh trước 2 tháng để ăn Tết. Ra Tết lại giáp hạt, giá cả vốn đã đắt gấp đôi dưới xuôi lại tăng lên... Xuân nào cũng vậy, khi thiên hạ thong dong đi ngắm hoa đào, chọn cây cảnh thì vợ chồng chị lục đục chuẩn bị thực phẩm đồ khô cho chuyến ngược núi khi Tết ra để chuẩn bị cho 2 tháng kế tiếp không lương. Nghĩ mà thương chị quá anh ơi!.
Đang viết cho anh, thì cái Lan gọi điện. Nó sụt sùi chỉ vì lo “gây quỹ” về quê Tết mà giờ hai vợ chồng nó cãi nhau kịch liệt, dễ Tết này chẳng nhìn mặt nhau. Tiền thưởng Tết của cả hai vợ chồng Lan mỗi người được có hơn 2 triệu đồng. Lo tiền tàu xe cũng đã gần hết, lấy đâu ra mà quà cáp cho bố mẹ, em út ở quê?.
Thương mẹ còng lưng nuôi lũ em ăn học, thi thoảng trong năm cơ quan có chia chút tiền phúc lợi nó giấu chồng không sung quỹ để Tết về biếu thêm mẹ. Nhưng nào ngờ, để trong hộp bánh cũ tận góc tủ mà đứa con trai 3 tuổi trong một lần nghịch ngợm cũng lôi được ra. Chồng to tiếng, nó cũng chẳng vừa khi kể lại “thành tích” của chồng khi cơ quan có vài đợt thưởng nhỏ hơn trước Tết nhưng anh im lặng để góp dần đến Tết về quê. Vô tình biết được nhưng nghĩ thương chồng là con trưởng nặng gánh mà Lan im lặng, nhưng anh ấy nào có hiểu...
Sáng nay, nhìn mẹ mặt ủ mày chau soạn đồ về quê vì giận chúng mình keo kiệt (dù rằng nỗi oan này chẳng kém gì oan Thị Kính) mà lòng dạ em rối bời. Cuối năm bận rộn, công việc ngập đầu, con nhỏ không ai trông nom, rồi bao nỗi lo tình cảm cha mẹ, anh em. Tính sao đây anh ơi...
Một người vợ