Bổ sung quy trình phê duyệt chính sách
Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đã đưa nội dung xem xét, đánh giá chính sách cơ bản vào quy trình lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến thì: “Quy trình này chưa thật cụ thể, rõ ràng. Việc đánh giá chính sách mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá có cần thiết phải ban hành VBQPPL hay không.
Việc thảo luận thông qua chương trình chủ yếu mới chỉ thảo luận về danh mục văn bản mà chưa thảo luận từng nội dung của chính sách đối với từng dự án luật, pháp lệnh, dẫn đến việc vừa xây dựng luật, vừa xây dựng chính sách. Do chính sách chưa trở thành một quy trình riêng và chưa được phê duyệt trước nên một số dự án luật khi soạn thảo xong thì chính sách có sự thay đổi, dẫn đến việc có thể thay đổi dự thảo luật, pháp lệnh.”
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Tuyến, Dự luật được xây dựng theo hướng bổ sung quy trình xây dựng, phê duyệt chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL. Quy trình xây dựng, phê duyệt chính sách sẽ được quy định trong giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.
Chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp Dương Thanh Mai cũng cho rằng, nếu thấy việc phê duyệt chính sách là cần thiết để thay đổi quan trọng chất lượng văn bản (VB) thì cố gắng thể hiện yêu cầu này rõ hơn trong Dự thảo Luật. Trong trường hợp Quốc hội không phê duyệt chính sách thì Chính phủ phải làm lại.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc phê duyệt chính sách có thể là phù hợp trong giai đoạn tới, tuy nhiên theo Bộ trưởng: “Viết như Dự thảo vẫn thấy chính sách mờ mờ ở đâu. Chính sách được phê duyệt phải rõ ra nhằm mục đích gì, khắc phục khó khăn hiện nay ra sao, nội dung chính sách như thế nào, đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý hay chưa”. Và quan trọng, theo Bộ trưởng, đây là cơ sở quan trọng để sau này đối chiếu xem Dự thảo có đúng tinh thần của chính sách đã đề xuất hay không.
Không ban hành các loại văn bản liên tịch?
Về thẩm quyền ban hành VBQPPL, Dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án 1: Quy định có 14 chủ thể ban hành với 18 hình thức VBQPPL (riêng Hội đồng Thẩm phán không ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật mà ban hành nghị quyết giải thích VBQPPL).
Phương án 2: Thiết kế theo hướng không quy định thẩm quyền ban hành VB của một số chủ thể như Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các loại VB liên tịch. Theo phương án này thì chỉ còn 8 chủ thể có thẩm quyền ban hành VB với 8 hình thức VBQPPL.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đề nghị phải cân nhắc cẩn trọng quy định thu gọn chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL bởi hiện những VB đề nghị bỏ lại đang được áp dụng nhiều nhất trên thực tế, ví dụ như nghị quyết của Quốc hội.
Bà Hồ Thị Hằng, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đề nghị cần phải rà soát lại để xem có thể thu gọn ở mức độ nào, đặc biệt để phù hợp với Hiến pháp và các VBQPPL khác. Theo bà Hằng, nếu không cho phép ban hành VB liên tịch sẽ là rất khó, vì như vậy mỗi Bộ sẽ phải ban hành một thông tư riêng về cùng một vấn đề, dễ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo.
Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước cũng đồng tình nên giảm bớt chủ thể ban hành VB, tuy nhiên đại biểu này đề nghị cần xem xét lại quy định loại cả Quyết định và Lệnh của Chủ tịch nước ra khỏi hệ thống VBQPPL vì đây đều là những VB có chứa QPPL. “Thực tế các hình thức VB này ít ban hành nhưng không phải không có, ví dụ Chủ tịch nước ban hành Lệnh tổng động viên” - vị đại diện này nói.
Cơ quan trình phải có trách nhiệm đến cùng
Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo.
Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến: “Việc quy định như vậy đã làm giảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh, cơ quan trình dự án không bảo vệ được các chính sách trong dự thảo do mình đề xuất. Quá trình chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh nhiều nội dung chỉnh lý khác với chính sách ban đầu do cơ quan trình dự kiến, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật.”
Dự thảo quy định theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Cơ quan trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, chỉnh lý, giải trình và bảo vệ đến cùng trước Quốc hội cả ở 2 giai đoạn: giai đoạn xây dựng, phê duyệt chính sách và giai đoạn soạn thảo, thông qua dự thảo./.