Thông tin ít người biết về ngày cuối đời và cái chết của Giang Thanh

Giang Thanh và Mao Trạch Đông
Giang Thanh và Mao Trạch Đông
(PLO) -Trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, Giang Thanh là một nhân vật nổi tiếng bởi bà là phu nhân của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, sau khi chồng chết thì bị bắt, bị đưa ra xét xử, nhận án tử hình hoãn thi hành 2 năm, được giảm thành tù chung thân rồi tự tử chết khi bị giam. Tuy nhiên, xung quanh cái chết của Giang Thanh vẫn còn những điều bí ẩn…

Nhà văn Trung Quốc Diệp Vĩnh Liệt đã kể lại chi tiết những ngày tháng cuối cùng và cái chết của Giang Thanh trong tác phẩm “Bè lũ 4 tên – tất tần tật”…

Giang Thanh sinh năm 1915 tại Chư Thành, Sơn Đông, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1933, từng thoát ly tổ chức đảng khi bị bắt ở Thượng Hải. Sau khi kháng chiến bùng nổ, Giang Thanh đến Diên An rồi kết hôn với Mao Trạch Đông. 

Sau khi bắt đầu “Cách mạng Văn hóa”, bà là Phó tổ trưởng thứ nhất Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, cố vấn Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Quân giải phóng, tích cực vạch kế hoạch vu cáo hãm hại đánh đổ một loạt người lãnh đạo đảng và nhà nước và cùng Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn kết thành “Bè lũ 4 tên”, gây nguy hại cực kỳ nghiêm trọng của đảng và đất nước. 

Tháng 10/1976 bị Bộ Chính trị thẩm tra; tháng 7/1977, Giang Thanh bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Đảng, năm 1981 bị kết án tử hình, hoãn thi hành2 năm, sau được giảm thành tù chung thân theo quy định pháp luật. Ngày 14/5/1991, Giang Thanh tự sát chết tại nơi ở của bà ta trong thời gian bảo lãnh chữa bệnh tại ngoại.

Hóa thân thành “Lý Nhuận Thanh”, từ chối phẫu thuật cổ họng

Nhà tù nổi tiếng Tần Thành nằm ở xã Tần Thành ở Đông Bắc huyện Xương Bình, ngoại thành Bắc Kinh. Khu nhà phía Đông nhà tù hoàn toàn cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Giang Thanh ở trong một căn hộ riêng biệt rộng có mấy vọng gác. Ở đây bà có thể đọc báo, nghe đài, xem tivi, tự đan áo len cho mình, đọc sách và viết lách. Cô con gái Lý Nạp cứ 2 tuần được vào thăm 1 lần và đem vào  cho mẹ một số đồ.

Sức khỏe Giang Thanh không tốt, ngày 4/5/1984, cơ quan phụ trách hữu quan thông báo bà có thể được bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh; sau đó bố trí đưa bà đến ở một địa điểm kín đáo.

Tháng 12/1988, vào dịp kỉ niệm 95 năm ngày sinh Mao Trạch Đông, Giang Thanh yêu cầu tổ chức một cuộc tụ hội gia đình, nhưng không được phê chuẩn. Bà lấy 50 viên thuốc ngủ tích trữ lại được bấy lâu nay ra nuốt, định tự sát, nhưng người lính gác phát hiện, kịp thời cấp cứu nên thoát chết. Từ đó về sau, bà không được cấp thuốc ngủ nữa.

Ngày 30/3/1989, việc chữa bệnh tại ngoại kết thúc, Giang Thanh lại bị đưa quay trại nhà tù Tần Thành. Sau khi trở lại phòng giam, bác sĩ kiểm tra phát hiện thấy bà bị mắc chứng ung thư cổ họng; ông đề nghị phẫu thuật nhưng Giang Thanh kiên quyết không đồng ý, nói: Cắt cổ họng thì sao còn nói được nữa.

Giang Thanh thời trẻ
Giang Thanh thời trẻ

Tháng 11/1989, Trung ương ĐCS Trung Quốc lại phê chuẩn cho phép Giang Thanh được tại ngoại chữa bệnh. Khi bàn đến địa điểm ngoại trú, Giang Thanh đề nghị đưa về nơi ở cũ cùng Mao Trạch Đông  trong Trung Nam Hải hoặc về Nhà số 17 trong Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài – cứ điểm của bà ta trong “Cách mạng Văn hóa”.

Yêu cầu bị bác bỏ, thế là trước mặt các nhân viên Văn phòng Trung ương, bà ta dùng tay phải chẹn lấy cổ mình với hàm ý: các người không đồng ý, ta chỉ còn cách tự sát.

Về sau, cơ quan hữu quan thuộc Văn phòng Trung ương tìm được cho Giang Thanh ngôi nhà nhỏ 2 tầng biệt lập ở gần Tửu Tiên Kiều, Bắc Kinh rồi bố trí một nữ y tá chăm sóc bà ta, khi đó Giang Thanh mới im lặng chấp nhận, bắt đầu việc chữa trị bệnh.

Ngày 15/2/1991, tại ngôi nhà ở Tửu Tiên Kiều, Giang Thanh sốt cao không dứt nên phải đưa vào bệnh viện Công an. Giống như các bệnh nhân khác, Giang Thanh phải làm bệnh án nhập viện, viết tên mình là “Lý Nhuận Thanh” – tỏ ý hoài niệm cuộc hôn nhân với Mao Trạch Đông: “Nhuận” là tên chữ Mao Trạch Đông dùng khi còn trẻ, “Lý” là họ của Giang Thanh, “Thanh” là lấy từ tên thường gọi “Giang Thanh”.

Ngày 18/3, Giang Thanh dứt sốt, thể trọng giảm vài cân, được chuyển tới một phòng bệnh khép kín để điều trị nội trú. Phòng bệnh có buồng ngủ, buồng vệ sinh và phòng ở. Các bác sĩ lại đề nghị tiến hành phẫu thuật cổ họng, nhưng Giang Thanh vẫn từ chối, nói: “Ta không tin các người dám không chăm sóc cẩn thận một chiến sĩ cách mạng vô sản!”.

Hoài niệm Mao Trạch Đông

Khi sức khỏe ngày càng suy giảm, Giang Thanh thường nhớ đến Mao Trạch Đông. Bà ta giữ bên gối nhiều bút tích của ông, cài huy hiệu Mao trên áo, trên tủ đầu giường đặt một bức ảnh chụp bà cùng với Mao Trạch Đông đi dạo buổi sáng trong Trung Nam Hải. Cứ mỗi sáng sớm, bà ta lại ngâm nga thơ từ của Mao Trạch Đông hoặc giở “Mao tuyển” ra đọc.

Khi sắp đến tết Thanh minh, Giang Thanh yêu cầu đưa ra Nhà kỉ niệm Mao Trạch Đông trên Quảng trường Thiên An Môn và cho phép Lý Nạp mang một cuộn giấy trắng vào trong bệnh viện Công An để bà ta làm một vòng hoa cho Mao Trạch Đông, nhưng cả hai yêu cầu đó đều bị cự tuyệt.

Giang Thanh bắt đầu tranh thủ thời gian để viết hồi ký. Hàng sáng, sau khi đọc xong sách của Mao Trạch Đông, bà ta lại ngồi trước chiếc bàn nhỏ trên bày giấy và bút hí húi viết. Khi hưng phấn, để sửa lại những ghi chép lịch sử, bà ta còn đọc những bản thảo của mình viết để trưng cầu ý kiến các y tá.

Giang Thanh trong 'Cách mạng Văn hóa'
Giang Thanh trong 'Cách mạng Văn hóa'

Bà ta hỏi: “ Đặt là “Làm chiến sĩ trung thành của Mao Chủ tịch” thì thế nào?”, hoặc: “Cả đời hiến dâng cho tư tưởng Mao Trạch Đông” nghe được không? Bà ta còn định đặt những đề mục mang tính khiêu khích như “Đánh đổ chủ nghĩa xét lại, xây dựng thế giới mới!”

Ngày 10/5, trước mặt mọi người, Giang Thanh xé nát bản thảo hồi ký và yêu cầu đưa trở lại chỗ ở tại Tửu Tiên Kiều, nhưng không được. Ngày 12/5, nghe thấy tình hình Giang Thanh như thế, Lý Nạp và chồng đến bệnh viện Công an để thăm, nhưng Giang Thanh từ chối gặp họ.

Ngày 13/5, Giang Thanh viết lên trang đầu của tờ Nhân dân Nhật báo dòng chữ kiểu Thảo thư: “Một ngày đáng kỉ niệm trong lịch sử”. Ngày này 25 năm trước, 13/5/1966, Bộ Chính trị triệu tập cuộc họp định ra đường lối đấu tranh mới; đồng thời Giang Thanh được bổ nhiệm làm người phụ trách Tổ “Cách mạng Văn hóa” Trung ương có uy quyền rất lớn.

Tự sát chết

1h30 ngày 14/5/1991, người nữ y tá rời khỏi phòng ngủ của Giang Thanh. Thế nhưng đến 3h30’ khi người y tá trực bước vào thì thấy Giang Thanh đã tự sát chết từ bao giờ. Theo suy đoán, nhân lúc y tá rời đi, Giang Thanh đã kết mấy cái khăn tay đã cố ý cất giữ từ trước lại với nhau thành một sợi thừng, xếp chăn, gối đứng lên, buộc một đầu vào thanh thép phía trên bồn tắm, đầu kia tròng vào cổ mình rồi đạp chăn gối ra, ngạt thở mà chết vào khoảng 3 giờ sáng.

Giang Thanh từng nhiều lần định tự sát. Hồi những năm 1930, do cãi nhau với người chồng khi đó là Đường Nạp, Giang Thanh cũng đã tính chuyện tự sát. Năm 1976 sau khi bị bắt, sự tuyệt vọng khiến bà ta lại nghĩ đến việc tự sát.

Tháng 9/1984, do yêu cầu đến thăm Nhà kỉ niệm Mao Trạch Đông bị từ chối, Giang Thanh dùng một cây đũa đâm thủng họng. Tháng 5/1986 do bất mãn với tình cảnh của mình, bà ta xé chăn làm thành sợ thừng quấn vào cổ nhưng cũng được cứu…Lần này thì cuối cùng Giang Thanh đã tự kết thúc được tính mạng của bà ta.

Chiều hôm đó, Lý Nạp nhận được tin báo, đến bệnh viện ký tên vào Giấy báo tử. Không rõ do ý của Lý Nạp hay quan chức Văn phòng Trung ương đề nghị mà Lý Nạp đồng ý không tổ chức lễ tang với bất cứ hình thức nào. 3 ngày sau, tức ngày 18/5, thi thể Giang Thanh được hỏa thiêu mà không có mặt Lý Nạp hay bất cứ người thân nào khác của Giang Thanh hay Mao Trạch Đông. Sau đó, Lý Nạp yêu cầu trao hộp tro cốt cho cô ta.

Giang Thanh bị đưa ra xét xử năm 1981
Giang Thanh bị đưa ra xét xử năm 1981

Lúc này người Trung Quốc cũng như thế giới không hề hay biết việc Giang Thanh đã chết. Đầu tháng 6/1991, tuần san “Time” thông báo cho toàn thế giới biết tin: Theo một nguồn từ Bắc Kinh hôm 1/6 xin được giấu tên cho biết: Giang Thanh đã treo cổ tự sát. Nguồn tin này cũng nói ung thư cổ họng là nguyên nhân khiến bà ta tự sát.

Mấy ngày sau, 11h đêm 4/6/1911, Tân Hoa xã phát đi bản tin xác nhận thông tin của “Time”, nguyên văn như sau: “Phóng viên Tân Hoa xã được biết, Giang Thanh, chủ phạm của “Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh” trong thời gian tại ngoại chữa bệnh đã tự sát chết tại nhà ở của bà ta tại Bắc Kinh sáng sớm ngày 14/5/1991.

Tháng 1/1981, Giang Thanh đã bị Tòa án đặc biệt của Tòa án nhân dân tối cao kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, tước quyền chính trị suốt đời, tháng 1/1983 đổi thành tù chung thân, được tại ngoại chữa bệnh từ ngày 4/5/1984”.

Đọc thêm

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?
(PLVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ mở rộng lãnh thổ và sự kiểm soát của quốc gia này, trong đó bao gồm việc sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Tầm ảnh hưởng của Kênh đào Panama lớn tới đâu và lý do của Mỹ khi bày tỏ mong muốn “đòi lại” con kênh đào này là gì?

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.