Những khó khăn thách thức được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề cập tới là: Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và chưa có tiền lệ sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19, các Chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ; Lạm phát gia tăng trên toàn cầu nhất là nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung Euro,… các NHTW trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành ứng phó với lạm phát.
Đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh liên tiếp lãi suất với tốc độ cao. Đáng chú ý, FED tuyên bố kỳ vọng đến năm 2023 có thể lãi suất duy trì ở mức 4,6% đến hết năm 2023 trước khi lạm phát được kiểm soát. NHTW châu Âu (ECB) cũng phải liên tiếp tăng lãi suất sau 11 năm…
Theo thống kê, NHTW các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động này, phải tăng lãi suất rất mạnh với khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất ở mức cao.
“Ở Việt Nam, do độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Do đó, công tác điều hành vĩ mô, trong đó công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN chịu nhiều áp lực”, bà Hồng nói đồng thời cho biết, phải điều hành làm sao để vừa góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối.
Cũng theo Thống đốc NHNN, hiện cơ quan này đang phải thực hiện nhiều giải pháp mục tiêu. Trong đó, mục tiêu chung, căn cơ, dài hạn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm sau. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc đảm bảo an toàn hệ thống phải luôn đặt lên hàng đầu”, Thống đốc nhấn mạnh.
Trụ sở NHNN Việt Nam |
Về tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, có điều chỉnh theo thực tế. Năm nay, hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% nhưng hiện nay chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh, lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ hơn 3%, tháng 9 có thể 3,6% so với cùng kỳ.Từ đầu năm, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy, nhưng hiện tại kỳ vọng lạm phát đang ở mức rất cao.
Tất cả các công cụ chính sách của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán; việc kiên định mục tiêu tín dụng vừa kiểm soát tác động lạm phát thực tế vừa kiểm soát kỳ vọng, đồng thời ổn định tỷ giá…
Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng cần tăng cường kết nối ngân hàng – DN và tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với DN, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, DN sẽ là đối tượng gặp khó khăn khi thị trường biến động. Đồng thời thích rõ thêm với DN không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn, không nên “đổ" hết cho room tín dụng.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bà Hà Thu Giang - cho biết, tính đến nay, 59/63 tỉnh, thành đã phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất (HTLS); 63/63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của NHNN; 15/63 chi nhánh NHNN đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - DN về HTLS.
Tại các NHTM, có 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có HTLS, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay từ ngày 1/1/2022 và có trả lãi trong tháng 5/2022 khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Từ thực tế nhu cầu và hấp thụ chính sách HTLS, nhất là dư nợ hiện hữu, NHNN đã có văn bản đề nghị các NHTM báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022, và rà soát khách hàng để triển khai gói HTLS, khả năng hỗ trợ dự kiến. Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được HTLS khoảng 10.700 tỷ đồng, với gần 580 khách hàng, dư nợ được HTLS 9.820 tỷ đồng…