Mâu thuẫn nhỏ nhặt
Khán phòng xét xử Nguyễn Quang Quyết (SN 1999, ngụ xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) ngày 21/3 thu hút hàng trăm người dự khán. Họ đều là hàng xóm láng giềng của cả bị hại lẫn bị cáo nhưng chia làm hai phe, ngồi hai dãy ghế tách biệt nhau.
Trước giờ xét xử, mẹ bị hại với vành khăn trắng, cầm khư khư di ảnh con trai vừa khóc than về cái chết tức tưởi của con trai mình. Người nhà bị cáo lặng thinh, ngồi cúi mặt.
Quyết và Lê Văn Đạt (SN 2000, ngụ cùng địa phương) từng là bạn chăn trâu. Quyết lớn hơn Đạt một tuổi, học cùng trường, nhà chỉ cách nhau một con ngõ nên hai người thường đi học, dắt trâu ra đồng, lội ruộng bắt cua bắt ốc. Nhưng rồi tình cảm đó dần rạn nứt khi cả hai theo học cấp 3. Quyết và Đạt thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau vì những bất đồng nhỏ nhặt. Quyết thường xuyên bị Đạt chặn đường chửi bới, đánh đập.
Vụ việc dẫn đến án mạng xảy ra vào khoảng 18h45 ngày 26/9/2015, Quyết đang đứng chơi ở hội quán xóm 7 thì thấy một thanh niên SN 1998 chở Đạt bằng xe máy đến. Bức xúc vì trước đó giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn nên Đạt nhảy xuống khỏi xe máy, liên tiếp dùng tay đánh vào thái dương của Quyết. Được mọi người can ngăn, Quyết lên xe bỏ về.
Trên đường về, bức xúc vì bị Đạt đánh, Quyết chạy xe máy tìm đến một quán tạp hóa gần UBND xã Thái Sơn mua một con dao nhọn (loại gọt trái cây) bỏ vào túi quần rồi quay lại tìm Đạt để “nói chuyện”.
Gặp nhau tại hội quán, hai bên lại xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ nhau. Đạt đấm Quyết một cái vào mặt. Quyết lấy con dao thủ trong túi quần đâm một nhát vào ngực Đạt. Bị đâm, Đạt ôm ngực bỏ chạy khoảng 50m. Quyết chạy theo đâm thêm một nhát vào bụng khiến nạn nhân gục xuống tại chỗ.
Nạn nhân tử vong khi đang trên đường đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định pháp y của cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lê Văn Đạt là do choáng mất máu do vết thương xuyên thủng tim.
Về phía hung thủ sau khi gây án đã rút dao bỏ về nhà kể cho cha mẹ nghe vụ việc. Quyết được gia đình đưa đến cơ quan chức năng đầu thú, khai nhận hành vi giết người của mình. Thời điểm gây án, Nguyễn Quang Quyết mới 15 tuổi, 1 tháng, 22 ngày.
Bị cáo Quyết vì bị đánh nên đã quay lại “trả thù” (Hình: báo Công an Nghệ An) |
“Làm loạn” phiên tòa
Từ khi án mạng xảy ra, mối quan hệ của hai gia đình cũng thay đổi. Từ hàng xóm láng giềng thân thích, họ trở thành hằn học nhau. Suốt thời gian qua, gia đình chị Thành (mẹ bị cáo) thường ngày phải nghe những lời lăng mạ, dọa dẫm từ phía gia đình bị hại.
Đứng trước vành móng ngựa, Quyết thành khẩn khai báo hành vi của mình. Theo bị cáo, nạn nhân ít tuổi hơn nhưng thời gian gần đây thường xuyên gây sự, nhiều lần bị cáo bị chặn đánh bị cáo với nhiều lí do vô cớ nên bị cáo tỏ ra bức xúc. Vì muốn “dạy” cho đối phương một bài học để lần sau không còn ức hiếp nhưng bị cáo không ngờ lại gây ra cái chết tức tưởi cho nạn nhân, bản thân trở thành kẻ giết người.
Bị cáo xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội trở về làm người lương thiện. “Cuộc đời bị cáo còn dài, còn nhiều ước mơ dang dở”, bị cáo nói.
Khi nghe vị đại diện VKS giữ quyền công tố đề nghị mức án 12 đến 13 năm tù dành cho bị cáo, phía gia đình bị hại tỏ ra bức xúc, lớn tiếng yêu cầu “mạng đổi mạng, phải ra khung hình phạt cao nhất”.
Giờ nghị án, người nhà bị hại lớn tiếng đòi giết bị cáo ngay tại tòa. Chị gái bị hại tỏ thái độ, ném di ảnh nạn nhân về phía bị cáo. Cán bộ quản giáo phải đứng ra hỗ trợ, đảm bảo trật tự an ninh tại tòa.
Sau khi xem xét tình tiết của vụ án, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Quang Quyết mức án 13 năm tù giam. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 99 triệu đồng.
Không đồng tình với phán quyết cuối cùng của tòa án, phía gia đình nạn nhân gây náo loạn, dùng những lời lẽ lăng mạ, đòi đưa ra mức án cao nhất đối với bị cáo. Khi bị cáo được cán bộ chức năng giải lên xe thùng, mẹ bị hại vừa lớn tiếng, vừa nhảy lên bàn, cố chạy theo bị cáo để đòi giết, đòi trả lại mạng sống cho con trai mình.
Phiên tòa kết thúc, Quyết được dẫn về trại giam, phía sau là tiếng la hét, chửi bới của người thân bị hại. Người nhà bị cáo chỉ biết ngồi lặng, chờ đợi người nhà bị cáo về hết mới dám đứng dậy ra về.
Sau những phản ứng từ phía gia đình nạn nhân, họ hiểu áp lực này sẽ chưa kết thúc mà sẽ còn dai dẳng. Liệu họ có thể tiếp tục trở thành hàng xóm láng giềng tốt của nhau, khi không có sự cảm thông, tha thứ?