Tàn đời vì yêu
Tăng Thị Lan Phương (SN 1974 - chung cư Quang Trung (TP.Vinh, Nghệ An) nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, nhất là môn toán, từng nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Nhưng con đường công danh của chị lại không suôn sẻ như những người em.
Phương sớm lấy chồng, hạnh phúc cũng sớm vụt trôi khi phát hiện chồng có người đàn bà khác. Chị chia tay chồng, đưa đứa con trai về ở với bố mẹ và các em. Phương xoay đủ nghề để sống, nhưng có vẻ kinh doanh không hợp với chị. Sau nhiều thất bại, chị mở một câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ. Nghề này ít chịu sự cạnh tranh khốc liệt, cuộc sống cũng tạm ổn.
Tình cờ Phương gặp Hải - một người đàn ông hơn 3 tuổi, đi xuất khẩu lao động về, đang trong thời gian chờ làm thủ tục li hôn vợ. Chị không ngờ người đàn ông nhìn bề ngoài hiền lành, giản dị ấy lại là một ông trùm ma túy. Hai người nảy sinh tình cảm, thuê một phòng trọ sinh sống với nhau, việc ai người nấy làm. Sáng sáng, Hải chở Phương đến câu lạc bộ thẩm mỹ, chiều lại đón về.
Ngày vui chẳng được bao nhiêu khi người tình bị bắt giữ về hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Hải bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 18 năm tù giam. Phương chịu mức án 15 tháng tù. Cuộc đời Phương, tương lai của con và danh dự của gia đình đã bị chị tự tay hất xuống vực.
Trong suốt thời gian thụ án tại Trại giam Công an tỉnh Nghệ An, Phương như rơi xuống hố sâu tuyệt vọng. Đúng lúc đó, chị nhận được bức thư của bố viết vào đúng đêm giao thừa năm Quý Tỵ 2013, động viên chị phải biết quý trọng từng giây phút, đối mặt với cuộc sống để vươn lên từ bất hạnh.
Người cha đã truyền cảm hứng sống có ích cho con gái. |
Những lời ruột gan của người cha già đã thức tỉnh khát vọng trở về đời thường của Phương. Nỗ lực hoàn thành thời gian thụ án, bước qua cánh cửa nhà giam, Phương ùa vào lòng cha khóc nức nở.
Phải bắt đầu lại từ đâu? Chị sẵn sàng làm bất cứ công việc tay chân nào, miễn là có người thuê. Nhưng làm gì bây giờ khi một người phụ nữ bước qua tuổi 40 và mang một tiền án? Có ai đủ tin tưởng phó thác công việc cho chị?
Trong khi con gái loay hoay tìm lối đi thì người cha là ông Tăng Ngọc Nuôi cũng trằn trọc từng đêm tìm cách giúp con. Lâu nay ông vẫn mở lớp dạy tại nhà cho lũ trẻ trong khu vực, chợt nghĩ hay để Phương đứng lớp kèm cặp học trò của mình?
Ông Nuôi là cán bộ về hưu, chưa từng trải qua trường lớp sư phạm nhưng ông yêu nghề “gõ đầu trẻ”. Với kiến thức tích lũy suốt cả cuộc đời, lúc về hưu, ông “gom” mấy đứa trẻ con hàng xóm lại, bày dạy cho chúng. Ông Nuôi hiền, dạy dễ hiểu, cũng nghiêm khắc. Học trò kính trọng, tin tưởng đến với ông ngày càng đông.
Nhưng ông băn khoăn liệu phụ huynh có chấp nhận để một người vừa ra tù như Phương dạy dỗ con mình, lại không có nghiệp vụ sư phạm?
Rất may, phụ huynh trong lớp học của ông đều là những người gần đó. Họ đã từng biết về cioo Phương nức tiếng học giỏi. Thế nên, rất dễ dàng để họ trao niềm tin cho cô giáo không chuyên trở về từ lầm lỗi.
Lớp học đặc biệt
Được sự hỗ trợ của bố, sự tin tưởng của học sinh và phụ huynh cùng nền tảng kiển thức sẵn có, Phương dần tự tin với công việc giảng dạy của mình.
Lớp học của hai bố con Phương cứ chia ra, kê mỗi góc vài cái bàn cho mỗi lứa tuổi khác nhau. Ông Nuôi cho học trò chọn thầy. Học trò chọn ông, ông dạy; chọn Phương, Phương dạy. Từ trước ông đã không nhận nhiều học trò, chỉ mỗi nhóm lớp vài ba cháu để có điều kiện hướng dẫn sâu hơn.
Lớp học lâu nay đã trở thành nguồn vui và thêm phần thu nhập để trang trải cuộc sống cho mấy cha con, ông cháu. Với Phương, ngoài niềm vui tự lo cho hai mẹ con, chị còn niềm vui lớn lao hơn là dần lấy lại niềm tin từ mọi người.
“Được các cháu gọi bằng cô giáo là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời. Mọi người đã quên Lan Phương là một kẻ tội lỗi. Mọi người tin tưởng và cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Hạnh phúc quá lớn khiến tôi không dám tin”, “cô giáo” Phương chia sẻ.
Chị ở trong căn buồng nhỏ cạnh lớp học, ngoài sách, chẳng có gì đáng giá, một tấm đệm trải xuống nền nhà và cái quạt điện cũ mèm. Hỏi về người đàn ông đã đẩy chị vào tù, gây cho cuộc đời chị biết bao sóng gió, khuôn mặt chị bình thản: “Cũng hờn giận, cũng oán trách chứ. Nhưng đó là ngày xưa. Giờ tôi nhận ra được rằng, có oán trách nhau đi chăng nữa cũng không thay đổi được những gì đã qua. Tôi đã học cách tha thứ và nhẹ lòng hơn khi tha thứ cho anh. Thỉnh thoảng tôi vẫn bắt xe đến trại giam thăm Hải. Anh ấy cũng đáng thương...”.
Ngày 30/3/2012, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá “lò” sản xuất ma túy đá quy mô lớn tại TP.Vinh, bắt giữ Lê Thanh Hải (SN 1971, HKTT tại quận Ba Đình, Hà Nội); Tăng Thị Lan Phương (SN 1974, HKTT tại TP.Vinh) và bố mẹ Hải. Cảnh sát xác định, từ tháng 6/2011, Hải chọn nhà bố mẹ đẻ tại phường Quang Trung để sản xuất ma túy đá, rồi chuyển toàn bộ “dây chuyền” sản xuất sang phòng trọ của người tình là Phương. Tại phiên tòa ngày 25/3/2013, tòa tuyên phạt Hải 18 năm tù; Phương 15 tháng tù,