Thi sĩ nổi tiếng và những kỷ niệm đãng trí “đáng yêu”

Nhà thơ Xuân Hoàng
Nhà thơ Xuân Hoàng
(PLO) -Thi sĩ Xuân Hoàng (1925-2004) là một trong những hội viên kỳ cựu của Hội Nhà văn Việt Nam. Quê gốc của ông là Trung Phước, Bình Định, nhưng sinh ra, lớn lên, cuộc đời hoạt động cách mạng lại là thị xã (nay là thành phố) Đồng Hới, Quảng Bình. Ông là một nhà thơ tài năng, lưu cảo gồm 15 tập thơ, 2 tập truyện ký, 2 tập tự truyện. Năm 2007, ông được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT. 

Xuân Hoàng còn nổi tiếng là nhà thơ vui tính, hồn nhiên, đầy chất lãng tử. Những “chuyện bên lề” trong quãng ngày sống, đi và sáng tác của ông còn lưu đậm trong trí nhớ những người quen.

Giặt áo quần cho… hàng xóm 

Thi sĩ Xuân Hoàng nổi tiếng là người vì thơ mà quên việc khác. Lúc ông đang giữ chức Hội trưởng Hội văn nghệ Quảng Bình, chưa có nhà riêng, ông phải ở trong khu tập thể cơ quan vợ là Hội Phụ nữ Quảng Bình.

Sáng đó, vì có công việc, mặc dù là chủ nhật, bà Bình, vợ ông, phải đến cơ quan sớm. Sau nhiều ngày mưa, áo quần không giặt được mà phơi, bà liền dặn ông:

- Lát nữa nắng lên, anh nhớ giặt giùm em số áo quần trong chậu, đặt trong nhà tắm tập thể, nghe anh!

Thi sĩ Xuân Hoàng đang cặm cùi làm thơ, kịp có bài cho Tạp chí Văn nghệ Quảng Bình số tới có chủ đề về phụ nữ, nhân lễ Quốc tế phụ nữ 8/3, ngẩng lên:

- Bình cứ đi đi, để đó lát nữa anh giặt hết cả cho!

Say sưa với thơ, mãi gần 10h, ông mới nhớ công việc giặt áo quần cho kịp nắng như vợ đã dặn. Tuy vậy, tứ thơ chưa diễn tả thành lời cứ ám ảnh ông mãi. Ông vừa giặt quần áo vừa suy nghĩ để có thể hoàn thành bài thơ mình đang viết.

Đến trưa, vợ đi làm về, ông cười to, khoe:

- Anh vừa viết xong bài thơ về phụ nữ làng biển, hay lắm, vào đây, anh đọc cho em nghe.

Bà vợ không thấy quần áo nhà mình được phơi phóng mặc dù trời đang nắng, liền chau mặt lại:

- Nhắc anh rồi, sao anh không giặt áo quần cho vợ con với!

Thi sĩ Xuân Hoàng nhấc đôi kính cận +7 lên, hớn hở cười:

- Rồi! Rồi mà! Anh giặt tất tần tật, em nhìn ngoài dây phơi đó thì biết!

- Đâu có? – bà Bình ngơ ngác. Đoạn, bà chạy vào nhà tắm tập thể, bê chậu áo quần ra mà nói:

- Áo quần nhà mình vẫn còn nguyên đây này, đã giặt đâu?

Thi sĩ Xuân Hoàng nhìn áo quần, kể cả áo lót, quần lót…phụ nữ, trẻ con mà mình đã giặt và phơi ngoài dây rồi gãi đầu:

- Thôi rồi! Anh giặt nhầm quần áo của hàng xóm rồi! Để anh đi giặt lại cái của mình cho!

Bà Bình một lần nữa phì cười vì cái tính “đãng trí bác học” của chồng mình.

Tâm đắc thơ, véo đau người khác 

Bao giờ cũng vậy, người sáng tác sau khi hoàn chỉnh tác phẩm của mình vừa viết xong thường muốn người khác “chia sẻ”, “thưởng thức” giá trị đứa con tinh thần mà mình sau một thời gian “mang nặng, đẻ đau”.

Nhà thơ Xuân Hoàng rất nhạy cảm với đề tài mà ông tiếp xúc và thể hiên bằng ngôn ngữ thơ ca khá nhanh. Viết xong, ông đọc ngay cho người đang hiện diện trước mắt mình với trạng thái niềm vui xởi lởi. Kết thúc phần đọc bài thơ vừa sáng tác của mình, bao giờ ông cũng véo vào người đó một cái, đồng thời cất tiếng cười sảng khoái: “hay hí!”.

Nhà thơ Ngô Minh kể lại, khoảng năm 1967, Xuân Hoàng dẫn nữ sĩ Anh Thơ ở Hà Nội vào, về thăm xã Ngư Thủy anh hùng đánh Mỹ. Hai người đi bên bờ biển, đằng sau là lũ trẻ lon ton chạy theo. Nhà thơ Xuân Hoàng vừa đi vừa đọc cho nữ sĩ Anh Thơ nghe bài thơ mình mới viết về Ngư Thủy vừa được đăng ở Tạp chí Văn Nghệ quân đội....

“Cha truyền cho con, chồng truyền cho vợ/ Khẩu súng trường bóng loáng tiếp tay trao…”. Đọc xong, Xuân Hoàng cười ha hả rồi đột ngột véo vào tay Anh Thơ, làm nữ sĩ đau điếng và hỏi: “Mới không”. Hay hí!”. Nữ sĩ Anh Thơ đau điếng mà vẫn tươi cười.

Nhà thơ Văn Lợi kể lại, hôm nghe tin B52 Mỹ đánh Hà Nội bị bắn rơi nhiều chiếc. Nhà thơ Xuân Hoàng trong hơn một giờ buổi sáng, làm xong ngay bài thơ “Rồng thiêng Thăng Long quật pháo đài bay”.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đi ngang phòng liền được ông gọi vào và sang sảng, tươi vui đọc bài thơ vừa “chào đời”. Nghe đọc xong thơ, sau câu hỏi “Hay hí!”, Xuân Hoàng véo vào tay Lâm Thị Mỹ Dạ, khiến nữ sĩ “ối” một tiếng rõ to. Biết đó là “chuyện ngày thường”, ai cũng cười. 

Sau này, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật còn kể lại một câu chuyện thật “hú vía”. Là hôm hội VHNT Quảng Bình tổ chức một đợt đi Lệ Thủy để thăm làng quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh em nhường ghế đầu, cạnh lái xe cho nhà thơ Xuân Hoàng ngồi.

Đi đường, mọi người  nói chuyện rôm rả về văn thơ. Nhà thơ Xuân Hoàng cao hứng, đọc say sưa bài thơ viết về vị tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam mới làm để lần này trong buổi giao lưu với lãnh đạo huyện Lệ Thủy sẽ đem đọc. 

Đọc xong, vẫn chất giọng đầy hứng khởi và nụ cười rạng rỡ như mọi khi, ông hỏi ngay người lái xe của cơ quan: “Mới không? Hay hí”, và…vẫn như mọi lần đọc thơ cho người khác nghe, nhà thơ Xuân Hoàng véo vào cánh tay của lái xe khi cao giọng hỏi.

Cú véo mạnh quá, kéo cả tay lái xe làm xe bỗng dưng chuyển hướng, chao đảo, tạt ngay sang lề đường bên kia. May mà lúc đó, phía sau và phía trước không có xe, không thì tai vạ tày trời có thể đến với mọi người.

Người làm thơ đâu có chết

Tháng 11/1988, thi sĩ Xuân Hoàng vẫn còn khỏe, ăn một bữa những ba, bốn bát cơm. Đi làm việc, vẫn đạp xe bon bon trên đường phố Đồng Hới, nhưng vẫn viết một bài thơ gửi cho đời, nếu mình phải xa trần thế. Viết xong, ông đọc cho vợ nghe. 

Bài thơ như sau: Không phải đùa đâu, thật đấy rồi/ Quá nhiều co bóp ở tim tôi/ Từ trong tiềm thức tôi ghi nhận/ Chính quả tim mình đã kiệt hơi/ Tôi chết nay mai chuyện quá thường/ Một lời cáo phó, ít tuần hương/ Người ta đọc điếu văn bên huyệt/ Rồi mỗi người đi một ngã đường/ Thôi hết trời hoang cùng gió lạ/ Với hoa khoe sắc, nhạc đầm hương/ Những ban mai biếc hoàng hôn tím/ Những mộng cùng mơ giận với hờn/ Có nghĩa gì đâu, quán trọ đời/ Đến rồi đi đấy, thiệt mà chơi/Không còn viễn ảnh gì lưu niệm/Ngoài sức thời gian tím tuyệt vời/ Thôi được, rồi đây tôi sẽ đi/ Hãy xem như đó, một chu kỳ/ Bởi tôi là đất, tôi về đất/ Tôi chẳng đòi xin một chút gì.

Đọc xong, vẫn như bao lần, ông cười rung mặt kính: “Hay không? Tuyệt hí!”. Bà Bình, vợ ông, trừng mắt: “Sao chưa chết mà làm thơ về cái ngày mình chết, ông điên đấy à?”.

Thi sĩ Xuân Hoàng lại cười oang oang:

- Có thế mới là thơ. Vì người làm thơ đâu có sợ chết!

Thi sĩ Xuân Hoàng là vậy, con người tận tụy vì thơ nên bao giờ cũng vô tư, lạc quan, yêu đời. Mãi đến năm 2004, ông mới từ giã cõi trần, thọ 78 tuổi.

Những năm chiến tranh, Xuân Hoàng là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình. Phong cách đáng yêu của Xuân Hoàng cùng những nhà thơ, cán bộ trong cơ quan Hội đã làm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật một lần dừng chân nghỉ lại, lúc ra về đã thốt lên, nhại lại hai câu thơ trong bài “Nhớ” nổi tiếng của mình:

Nằm ngửa nhớ Bông (Tên của nhà thơ Lê Thị Mây), nằm nghiêng nhớ Dạ (Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ).

Nôn nao ngồi dậy, nhớ Xuân Hoàng.

Quên con gái ở bệnh viện

Lần khác, bà Bình bận họp lãnh đạo cơ quan, dặn nhà thơ Xuân Hoàng:

- Bé Nhật Lệ (sau này là phóng viên báo Lao động – NV) bị ho hai hôm rồi đó. Em bận họp, sáng nay anh đưa con đi khám bệnh viện với nhé!

- Được rồi! Được rồi! Để đấy! Để đấy anh lo. Em cứ đi đi! 

Vợ đi rồi, Nhà thơ Xuân Hoàng đưa con gái đến bệnh viện thị xã Đồng Hới. Bé Nhật Lệ lúc đó hơn 10 tuổi nhưng cũng rất lanh lợi. Cháu biết xếp giấy, nghe gọi thứ tự và vào phòng bác sĩ để khám. Rồi cháu cũng tự biết đến quầy nhận thuốc bệnh viện cấp phát.

Trong lúc cháu Nhật Lệ “tự biên tự diễn” công việc nhờ bệnh viện và bác sĩ khám và cấp phát thuốc cho mình thì nhà thơ Xuân Hoàng ngồi ở ghế đợi đang say sưa làm thơ. Dường như đã hoàn chỉnh bài, ông khoái trá ra khỏi phòng đợi bệnh viện, đến chỗ gửi xe đạp, lấy xe và đạp về nhà.

Bà Bình họp về nhà sớm, ngước mắt lên hỏi:

- Thế con bé Nhật Lệ đâu rồi?

- Hả? Nhà thơ Xuân Hoàng giương kính cận lên ngơ ngác.

- Thế con bé Nhật Lệ đâu rồi? – Bà Bình gặng hỏi lần hai.

Lúc bấy giờ, nhà thơ Xuân Hoàng quay xe 1800:

- Ừ, ừ, anh quên! Anh quên! Anh trở lại bệnh viện để đón nó đã.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.