Nhiều lĩnh vực nóng thuộc quản lý của Bộ Y tế như cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa được xử lý. Ảnh: MH |
Sau khi điểm lại những kết quả đạt được trong công tác thi hành pháp luật (THPL), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết các điều kiện bảo đảm theo dõi THPL còn thiếu và yếu. Vụ Pháp chế chỉ có 18 biên chế trong khi khối lượng công việc nhiều nên chỉ bố trí được một chuyên viên kiêm nhiệm làm công tác này. Tổ chức, bộ máy và đội ngũ công chức làm công tác pháp chế trong ngành còn mỏng, mặc dù Nghị định 55/2011/NĐ-CP đã có hiệu lực nhưng đến nay các quy định tại Nghị định này còn chậm triển khai.
Nhiều Sở Y tế chưa thành lập Phòng Pháp chế dẫn đến việc triển khai, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương chưa chuẩn xác, thống nhất. Cán bộ, chuyên viên làm công tác tổng hợp, theo dõi THPL thuộc Bộ và các Sở đều kiêm nhiệm, không có phụ cấp và trình độ không đồng đều nên kết quả theo dõi THPL của các đơn vị chưa được thường xuyên, đầy đủ, một số lãnh đạo các đơn vị chưa quan tâm đến công tác theo dõi THPL.
Đặc biệt, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, kinh phí hàng năm bố trí cho công tác pháp chế, trong đó có công tác theo dõi THPL rất ít và thường cấp muộn, gây khó khăn cho công tác theo dõi THPL. Việc kiểm tra, đánh giá, theo dõi tình hình THPL về y tế tại các địa phương hoặc một số vấn đề nóng, nổi cộm trong quá trình thực hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa được triển khai; việc đánh giá tính khả thi của văn bản cũng chưa thường xuyên và kịp thời.
Tại các Vụ, Cục, Tổng cục, chỉ có Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình bố trí một khoản kinh phí nhỏ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi THPL; còn các đơn vị khác thì chủ yếu lồng ghép với các hoạt động chuyên môn khác.
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn nhận định, kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL của Bộ Y tế được nhìn nhận tương đối bao quát. Tuy nhiên, còn thiếu khá nhiều vấn đề nóng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu của Bộ Y tế, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật như trục lợi bảo hiểm y tế, cấp trùng 30 nghìn thẻ bảo hiểm y tế, nhập khẩu trang thiết bị y tế…
Phải đề xuất những giải pháp khắc phục
Đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, kinh phí cấp hàng năm chưa có nguồn riêng cho việc kiểm tra, theo dõi tình hình THPL và qua lập dự toán ngân sách năm 2015 nếu cơ quan, đơn vị nào muốn chi ngoài kinh phí hành chính thì phải giải trình được. Do đó, vị đại diện này đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động kiểm tra, giám sát THPL nên tập trung vào một hoặc một vài lĩnh vực, chứ trải rộng việc theo dõi thì không những khó về kinh phí mà cả nhân lực cũng không đảm đương được.
Ông Nguyễn Huy Quang kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp xây dựng văn bản riêng về kinh phí phục vụ cho hoạt động theo dõi THPL nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc cấp kinh phí phục vụ công tác này. Ngoài ra, ông Quang đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ hơn nữa thì công tác theo dõi THPL mới đạt được kết quả như mong đợi, trước mắt phải tăng cường thực thi các biện pháp bảo đảm đã quy định trong Nghị định 59/2010/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL.
Đánh giá cao nhận thức của lãnh đạo Bộ, các đơn vị, cán bộ thuộc Bộ Y tế về vị trí, vai trò quan trọng của công tác theo dõi THPL nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này của Bộ Y tế như đã nêu song chưa có giải pháp khắc phục, chưa có số liệu cụ thể trong công tác theo dõi THPL, thiếu báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết.
Phân tích một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, Thứ trưởng Hiền đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm hơn nữa đối với công tác theo dõi THPL, có giải pháp bố trí nhân lực, kinh phí một cách thích hợp. Ngoài ra, nên lựa chọn theo dõi một số lĩnh vực pháp luật liên quan nhiều đến quyền lợi của người dân và trách nhiệm của Bộ, ngành Y tế như khám bệnh, chữa bệnh, an toàn thực phẩm, dược, bảo hiểm y tế…