2,8 triệu thí sinh thi lại vì lộ đề
Một trong vụ gian lận nghiêm trọng diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, khoảng 2,8 triệu thí sinh trung học tại Ấn Độ phải thi lại kỳ thi cuối cấp vào tháng 4, sau khi đề thi môn Toán và Kinh tế bất ngờ bị rò rỉ trên mạng thông qua ứng dụng WhatsApp 90 phút trước giờ thi.
Vài phút trước khi thi môn toán ở trường trung học nọ tại thủ đô New Delhi, Raghav xin giám khảo cho đi vệ sinh. Ở đó, em dùng điện thoại di động chụp ảnh đề thi rồi lén gởi đến một số điện thoại mà cậu đã lưu vài ngày trước. Chỉ vài phút sau, bài giải hiện trên màn hình điện thoại của em.
Nhưng người mẹ Sunita nhấn mạnh: “Không phải gian lận thi cử. Đó là một giải pháp”. Bà đã chi số tiền 16.000 rupee (175 bảng Anh) để con trai bà có số điện thoại của người giải bài thi toán.
Bà Sunita đề nghị giấu tên họ vì lý do pháp lý, cho biết bà liên lạc với “Mafia gian lận thi cử” thông qua một trung tâm ôn thi mà con bà từng đến học trước kỳ thi năm 2017. “Thầy nói con tôi học quá yếu, không lo học và thầy không muốn con tôi lập lại chuyện thi rớt hồi năm ngoái”, bà kể.
Ông thầy này giới thiệu bà với người có thể gửi đáp án hai môn toán và kinh tế cho Raghav, nhưng người giải bài thi và thí sinh không được biết nhân thân của nhau. Bà Sunita cùng 4, 5 phụ huynh khác đồng ý “sự giúp đỡ”, nói đây là chuyện hoàn toàn phổ biến, và nhóm “giúp đỡ” đạt lợi nhuận khổng lồ: “Cả nhóm chúng tôi có lẽ đã trả khoảng 60.000 rupee cho người giải bài thi”.
Với sự giúp đỡ của kẻ gian lận trực tuyến, thí sinh Raghav “làm bài thi tốt”, hiện đang theo học một lớp quay phim và muốn lập sự nghiệp bằng chiếc máy chụp ảnh.
Sự vụ đã khiến các chính gia đảng đối lập nhân cơ hội này chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi yếu kém trong quản lý an ninh mạng. “2,8 triệu học sinh sắp phải thi lại. Ý tôi là đây có phải là trò đùa không vậy? Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho đống lộn xộn này”, một nghị sĩ đăng lên Twitter. Do kết quả của kỳ thi cuối cấp được dùng để xét tuyển đầu vào bậc đại học, dư luận Ấn Độ đang rất phẫn nộ trước vụ rò rỉ đề thi. Cảnh sát đã thẩm vấn 25 giáo viên và học sinh nhưng chưa bắt người nào.
Ông Prakash Javadekar, Bộ trưởng Giáo dục Ấn Độ khẳng định, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và cách thức khiến đề thi hai môn Toán và Kinh tế bị lộ qua WhatsApp trước kỳ thi. Javadekar chia sẻ: “Những kẻ phạm tội sẽ không được dung thứ. Tôi chắc chắn, cảnh sát sẽ sớm bắt được chúng”. Ông cũng cam đoan sẽ nỗ lực cải thiện hệ thống dữ liệu để không xảy ra thêm những vụ việc tương tự.
Phía chính phủ Ấn Độ quyết định hơn 2,8 triệu thí sinh ở thủ đô New Delhi và vùng lân cận đã phải chịu thi lại hai môn toán và kinh tế vào ngày 25/4. Tuy nhiên, “Đây là sự tra tấn về tinh thần”, Kirath Paul, 15 tuổi, một trong những học sinh tại phía đông Delhi mà sẽ phải dự kỳ thi lại sắp tới cho biết. “Em đã phải dành cả ngày để học cho kỳ thi trước, và thậm chí còn phải thức dậy lúc nửa đêm để chuẩn bị bài”.
Và dù Kaul dù tích cực ôn tập ở nhà, em vẫn đang phải chuẩn thi lại môn toán vào ngày 25/4 tới. Cô gái nói: “Nhưng em sợ các bạn gian lận sẽ lại làm bài tốt hơn em. Em ôn kỹ, nhưng mọi người chỉ muốn xem kết quả, không muốn biết ai gian lận”.
Mafia gian lận thi cử lộng hành
Với dân số gần 1,3 tỷ người, Ấn Độ mỗi năm có hàng chục triệu học sinh đến tuổi vào đại học, tuy nhiên số lượng tuyển sinh của các trường lại hạn chế khiến việc cạnh tranh một suất vào đại học trở nên khốc liệt. Tỷ lệ chọi của những trường đại học hàng đầu Ấn Độ còn gắt gao hơn vào Oxford và Cambridge, hai trường đại học lâu đời và uy tín nhất nước Anh. Áp lực thi cử quá lớn tạo ra thị trường béo bở cho bọn tội phạm gian lận thi cử có hệ thống.
Hiện nay, gian lận trong thi cử tại Ấn Độ là một vấn đề khá nhức nhối và phổ biến. Đây có thể được xem là đặc thù tại Ấn Độ và dịch vụ này được tổ chức một cách rất công phu. Mùa thi hàng năm khiến người dân Ấn Độ lên cơn sốt, với hàng chục triệu thí sinh chật vật với những bài thi để tranh một số ít suất đại học, nhưng đó cũng là lúc bọn “mafia gian lận thi cử” kiếm được tiền bằng cách giải bài thi hộ trực tuyến, cũng như thực hiện giải pháp leo tường “ném phao” đáp án cho thí sinh.
Ngoài những học sinh ôn thi thì một nhóm người chăm chỉ không kém, đó là những “băng đảng gian lận”. Mạng lưới rộng lớn này hoạt động mạnh nhằm kiếm lợi nhuận từ hy vọng dẫn đầu của học sinh và phụ huynh tại đất nước mà chỉ có 5,5 triệu việc làm trong khi khoảng 17 triệu người tham gia vào lực lượng lao động hàng năm.
Hồi đầu năm nay, Bihar - một trong số những bang nghèo nhất Ấn Độ đã đuổi học hơn 1.000 học sinh vì gian lận thi cử. Cũng tại Bihar, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ít nhất 400 học sinh đã bị bắt quả tang đang quay cóp, gian lận và buộc phải ra khỏi phòng thi. Gần 20 phụ huynh đã bị giam giữ vì cố gắng trèo lên những tòa nhà cao 5 tầng, ném phao thi vào để giúp con cái của họ gian lận. Tuy nhiên, họ chỉ bị phạt cảnh cáo và thả đi sau một thời gian ngắn.
Năm 2015, bang Bihar khiến giới truyền thông toàn cầu phải chạy tin trang nhất, khi những băng video chiếu các phụ huynh leo lên một tòa nhà 5 tầng để “đưa phao” đáp án cho con họ đang thi trong tòa nhà.
Không những vậy, theo kết quả điều tra hồi năm ngoái, thí sinh có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất của bang này hóa ra là một người đàn ông 42 tuổi. Trong khi đó, thí sinh cao điểm nhất năm 2016 cũng bị phát hiện gian lận và bị tước kết quả thi.
Tại một cuộc phỏng vấn, thí sinh điểm cao này đã có một phát biểu nực cười rằng: “khoa học xã học thực chất là môn “nghiên cứu về nấu ăn”. Thậm chí, một nữ sinh viên Ấn Độ buộc phải cởi áo lót tại nơi công cộng theo yêu cầu của nhà trường để chứng minh cô không gian lận thi cử.
Theo bà Snigdha Poonam, tác giả cuốn sách viết về hoài bão và cả chiêu trò của giới trẻ Ấn Độ, nói: “Kỹ nghệ gian lận thi cử ở Ấn Độ đang phát triển cùng những trò gian lận có tổ chức khác. Giới trẻ Ấn Độ đang bị hút vào nền kinh tế dựa trên những gian lận, chính vì thiếu những giải pháp chính đáng cho thị trường việc làm, tạo nên một lằn ranh mờ giữa hành động trung thực và gian manh, cùng việc thiếu khả năng xác định những cách biệt của thị trường cũng như thiếu nguồn lực, đã đẩy giới trẻ đến những phương cách nhằm kiếm tiền dễ dàng”.
Hiện tại, chính phủ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục vấn nạn này. Điển hình, một đại học ở quận Muzaffarpur, bang Bihar sử dụng kéo và dao lam để cắt tay áo của nữ sinh, trước khi cho phép bước vào phòng thi.
Lalan Prasad Singh, viên chức giáo dục quận cho biết việc cắt tay áo nhằm bảo vệ các ứng viên, nhưng nói thêm rằng sự việc đang được điều tra để xác định người chịu trách nhiệm. “Nhà trường đã bị cấm tổ chức thi”, ông trả lời báo chí khi đương đầu với sự phản đối kịch liệt từ công chúng.
Tháng 2/2016, các ứng viên vào quân đội chỉ mặc mỗi đồ lót để làm bài thi viết trong ngày tuyển sinh ở Muzaffarpur. Nhà chức trách cũng cấm sinh viên mang giày mỗi khi đi thi, khiến việc gian lận trở nên khó khăn hơn. Nhiều trường lắp đặt camera giám sát trong phòng thi và buộc các thí sinh phải bỏ hết giày dép và tất ở ngoài cửa…