Văn hóa & Pháp luật

Thể chế, chính sách và nguồn lực - “kiềng 3 chân” để phát triển văn hóa

Tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã được các đại biểu nêu lên tại “Hội thảo Văn hóa 2022”.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Tại “Hội thảo Văn hóa 2022”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, những năm qua, đặc biệt là những năm đất nước đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan Nhà nước; tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; sự chủ động, nỗ lực của ngành Văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy.

Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu được chú trọng. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy, bảo vệ các quyền về văn hóa phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa...

Thường trực Ban Bí thư nhận định thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa vừa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực vừa là vấn đề khó, một trong những “điểm nghẽn” lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực văn hóa, ông Võ Văn Thưởng cho rằng trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ những phân tích trên, Thường trực Ban Bí thư nêu ra năm vấn đề cần thảo luận, nghiên cứu liên quan tới thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa.

Cụ thể, điều đầu tiên, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Thứ hai, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thứ tư, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của Nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ năm, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.

Hoàn thiện thể chế pháp luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương khẳng định: Thể chế về văn hóa rất quan trọng. Với vị trí pháp lý, Quốc hội đã chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật về văn hóa. Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, trong khi xây dựng một đạo luật, chúng ta phải đánh giá thực tiễn và những đối tượng điều chỉnh, chịu tác động... Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật còn phải lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật cần xây dựng. Do đó, các cơ quan của Quốc hội khi xây dựng một đạo luật cũng phải nghiên cứu rất rõ ràng về các đối tượng chịu tác động, quan hệ kinh tế - xã hội...

Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ VH,TT&DL Lê Thanh Liêm cho biết, trong 9 lĩnh vực ngành VH,TT&DL được giao quản lý, hiện mới có 5 lĩnh vực có luật để điều chỉnh. Một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm… chưa có luật mà vẫn điều chỉnh bằng nghị định. Trong năm 2021, 2022, Bộ đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung 3 bộ luật gồm: Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ (phối hợp với Bộ KH&CN), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là bước đột phá trong thời hoàn thiện thể chế.

Ông Lê Thanh Liêm nêu rõ, lộ trình từ nay đến năm 2026 Bộ VH,TT&DL dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Bộ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật, sửa đổi một số văn bản có liên quan khác. Theo ông Lê Thanh Liêm, với quyết tâm cao độ, việc hoàn thiện thể chế pháp luật, điều chỉnh trực tiếp các lĩnh vực văn hóa sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nêu rõ, hệ thống văn bản để điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa đòi hỏi tính toàn diện. Để triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự hiệu quả, đòi hỏi một hệ thống pháp luật đồng bộ, không chỉ văn bản riêng về văn hóa mà liên quan nhiều ngành nghề khác như: Tài chính, đất đai. Theo ông Liêm, ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, có lộ trình hoàn thiện trong thời gian tới.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, về cơ chế chính sách cho văn hóa, hiện nay, ngân sách Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, cần huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này. Đơn cử, Luật Đầu tư mới có ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, còn chưa có ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Vì vậy, sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. Về hợp tác công - tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để quy định rõ ràng, hợp lý về việc phối hợp nguồn lực công - tư trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức “Hội thảo Văn hóa năm 2022”. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức tại Bắc Ninh vào ngày 17/12/2022. Với 105 tham luận, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Nhiều tiện ích mới khi kết hợp giữa VNeID với iHanoi

Nhiều tiện ích mới khi kết hợp giữa VNeID với iHanoi

(PLVN) - Chiều 21/11, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”) và Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện Đề án 06 của TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố (TP).

Đọc thêm

Cứu người phụ nữ ăn lá ngón tự tử

Cứu người phụ nữ ăn lá ngón tự tử
(PLVN) - Giận chồng, người phụ nữ ở huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) ăn 6 lá ngón để tự tử. Chị này may mắn được các bác sĩ Phòng khám quân dân y Axan cứu sống.

Thầy giáo Phạm Quốc Việt thầm lặng cống hiến trên vùng sâu Tu Mơ Rông

Thầy giáo Phạm Quốc Việt thường xuyên kiểm tra kiến thức học sinh.
(PLVN) - Nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy; truyền ngọn lửa say nghề đến đội ngũ giáo viên; thương yêu, miệt mài truyền thụ tri thức cho bao thế hệ học sinh, thầy giáo Phạm Quốc Việt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học -Trung học cơ sở (PTDTBT TH-THCS) xã Đăk Sao đã và đang góp sức vào sự nghiệp giáo dục ở huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Tìm kiếm 2 nạn nhân rơi theo xe rác xuống sông

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm 2 người trên xe chở rác mất tích khi rơi xuống sông.
(PLVN) - Chiều 21/11, lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vụ ô tô chở rác đâm lan can cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) rồi lao xuống sông khiến hai người mất tích.

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.

Kêu gọi hành động vì một hành tinh đáng sống cho trẻ em

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Silvia Danailov. (Ảnh: Thanh Hương)
(PLVN) - Ngày 20/11, Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới tại Việt Nam năm nay do UNICEF và các đối tác thực hiện đã đưa ra lời kêu gọi hành động vì khí hậu - để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường.