Thế chấp nhà cửa lấy tiền theo vụ kiện đòi tờ vé số độc đắc

 Bà Tuyết và con trai 5 năm kiện đòi tờ vé số độc đắc
Bà Tuyết và con trai 5 năm kiện đòi tờ vé số độc đắc
(PLO) - Hơn 5 năm nay, người dân ở ấp Thạnh Hòa (xã Mông Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa quên vụ trúng số độc đắc của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1962, ngụ cùng địa phương). Bởi từ vận may trúng số, gia đình bà Tuyết lại bất ngờ vướng nghi án làm vé số giả, đã nghèo túng còn trở nên lao lý, nợ nần. 

Vé số độc đắc đang lành hóa rách?

Bà Tuyết kể, chiều tối 21/7/2011, bà vẫn còn tất bật làm thuê thì nhận được điện thoại của người con trai đang làm nghề bán vé số dạo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

“Trong điện thoại, con tui giọng run rẩy, lắp bắp: “Mẹ ơi con trúng giải độc đắc rồi”. Tui nửa tin nửa ngờ hỏi lại lần nữa: “Con đã dò lại kỹ chưa?”. Nó nói đã dò gần chục lần. Tui mừng đến mức gần xỉu vì đây là lần đầu tiên trong đời tui nghe bốn từ “trúng số độc đắc””. 

Ngay trong đêm hôm đó, bà Tuyết nhờ một người họ hàng vượt hơn 60km chở xuống thị xã Hà Tiên để nhận tờ vé số. “Đến nửa đêm tui mới xuống đến nơi. Tờ vé số trúng thưởng được con tui cẩn thận gói lại, nhét vào lỗ của viên gạch, để ở công trình xây dựng cạnh đó.

Tui dò đi dò lại mấy lần, những con số vẫn không thay đổi. Không kìm được sự vui mừng, mẹ con tui ôm nhau nhảy cẫng lên. Tui gọi điện thông báo với tất cả anh, chị, em, họ hàng nội ngoại cùng xuống Rạch Giá đón và đi nhận giải”, bà Tuyết kể.

Khoảng 8h sáng 22/7, bà Tuyết cùng người họ hàng trở lại TP Rạch Giá để cùng những người thân đi tìm nơi đổi thưởng. Khi đi ngang đại lý vé số Triều Phát, vì thấy cơ sở của đại lý khá khang trang, một người thân của bà Tuyết đã dừng lại hỏi thăm.

Giải độc đắc trị giá 1.5 tỷ đồng, sau khi thỏa thuận trả thuế 10% là 150 triệu đồng và đại lý hưởng 6 triệu đồng tiền hoa hồng, bà Tuyết mới đồng ý trao tờ vé số cho chủ đại lý kiểm tra.

“Người chủ đại lý (ông Ngô Xương Phúc - PV) cầm lấy tờ vé số rồi đi vào bên trong nhà, nơi đặt chiếc máy soi. Ông ta đưa tờ vé vào máy soi kiểm tra, tui tò mò ghé mắt nhìn vào thì thấy rõ ràng mỗi con số nổi lên một màu rất đẹp mắt.

Ông ta còn giải thích: “Tui đưa tờ số vào máy soi kiểm tra, nếu số khớp với hệ thống thì mới trúng giải. Bây giờ tờ số khớp rồi, chị trúng đặc biệt thật rồi đó. Giờ chị ra kia để nhận giải””, bà Tuyết nhớ lại.

Bà bức xúc kể tiếp, khi vừa theo chủ đại lý ra bên ngoài, người này hỏi bà: “Giờ chị muốn lấy bao nhiêu vàng, bao nhiêu tiền?”. Sau một khoảng thời gian chờ đợi mới biết được giá vàng, bà Tuyết thỏa thuận lấy 20 cây vàng, còn lại lĩnh tiền. Chủ đại lý được cho là đã để sẵn số vàng lên bàn và hỏi chứng minh nhân dân của bà Tuyết để làm thủ tục trao thưởng. 

“Tui để chứng minh nhân dân ở ngoài giỏ xe nên phải ra ngoài lấy. Lúc tui vừa trở vào đưa chứng minh cho ông Phúc thì ông này đã lật mặt sau tờ vé số và viết gì lên đó (bà Tuyết không biết chữ - PV), rồi đẩy sang cho cậu của tui (gần 60 tuổi), nói: “Anh ký tên đi rồi nhận tiền”.

Cậu tui vừa ký tên xong thì có một người đàn ông đứng cạnh ông Phúc cầm tờ vé số lên và nói: “Tờ vé số dán hai đầu vậy mà đòi nhận tiền cái gì?””. 

“Tui hoảng hốt giật tờ vé kiểm tra thì thấy rõ bị dán hai đầu thật. Quá bức xúc, tui mới kêu lên: “Trời ơi, tờ vé số của tui là thật rõ ràng, sao tự nhiên lại trở thành bị dán như vậy, rõ ràng đã kiểm tra là trúng rồi, đây không phải tờ vé của tui”.

Những người phía ông Phúc hăm dọa tui phải “im mồm”, nếu không kêu công an lại bắt. Một lúc sau, công an đến bắt cả gia đình tui thật...”, bà Tuyết uất ức kể.

Tưởng đổi đời, ai ngờ mang họa

Nói về việc tờ vé số trúng thưởng bỗng nhiên bị cắt dán bất thường, bà Tuyết khẳng định: “Đó không phải tờ vé của tui. Tờ của tui lành lặn, ông Phúc đưa vào máy soi mới bảo “trúng thật”, rồi hỏi “lấy tiền hay vàng”. Bao nhiêu con mắt chứng kiến”. 

Bà cho rằng: “Lúc tui ra ngoài lấy giấy chứng minh thì những người thân ngồi ở ghế đợi, còn ông Phúc đứng ở tủ kính tay vẫn giữ tờ vé. Có thể lúc đó tờ vé số thật đã bị đánh tráo mà không ai hay. Lúc ông Phúc bảo cậu tui ký tên, mọi người cũng quá chủ quan, chỉ nghĩ người ta bảo gì thì mình làm theo nên không kiểm tra lại. Ai ngờ...”.

Không chỉ bị “tráo” tờ vé số tiền tỷ, gia đình bà Tuyết còn phải chịu đủ mọi lận đận oan ức khi bị dẫn giải lên trụ sở Công an TP.Rạch Giá. Bà nhớ lại: “Mỗi người chúng tui bị dẫn vào một phòng riêng, bị công an nghi ngờ làm vé số giả để lừa đảo.

Dù tui cố gắng giải thích bao nhiêu cũng không ai tin. Con trai tui vừa bắt xe từ Hà Tiên lên Rạch Giá, khi nghe nói tui và người thân bị công an bắt, nó tìm tới thì cũng bị bắt, bị tạm giữ ở phòng khác, không được cho ăn trưa, đến chiều mới được thả về”.

Kết luận giám định cho thấy có hai tờ vé số khác nhau

Kết luận giám định cho thấy có hai tờ vé số khác nhau

Tháng 10/2011, công an TP.Rạch Giá có thông báo trả lời “không khởi tố vụ án hình sự” vì cho rằng tờ vé số bà Tuyết thực hiện giao dịch đã bị cắt dán.

Không chấp nhận kết quả điều tra trên, bà Tuyết tiếp tục đội đơn kêu cứu khắp nơi. Ngày 19/12/2013, mẹ con bà Tuyết và hai người em gái tìm đến cơ sở đại lý vé số Triều Phát để nói chuyện, hai bên xảy ra xô xát. Bà cùng những người thân tiếp tục bị công an tạm giam vì hành vi “gây rối trật tự công cộng”. 

“Trong phòng tạm giam gần một tháng, tui vì sức khỏe yếu, bị hạ huyết áp đến ngất xỉu nên ngày 30 Tết Nguyên Đán 2014 được cho về nhà. Sau đó tui bị xử 2 năm tù treo. Còn hai người em gái bị phạt tù hơn 7 tháng mới được về...”, người phụ nữ uất ức.

3 đời đều nghèo

Sự việc kéo dài gần 5 năm, hai lần có quyết định không khởi tố vụ án, hai lần bị tạm đình chỉ điều tra. Đến cuối tháng 3/2016, TAND TP. Rạch Giá mới chính thức đưa vụ án tranh chấp ra xét xử theo thủ tục dân sự. 

Căn cứ vào kết quả giám định (trích xuất từ camera tại đại lý vé số) của Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an): Tờ vé số người nhà bà Tuyết đưa cho ông Ngô Xương Phúc và tờ vé số ông Phúc đưa lại cho người nhà bà Tuyết ký tên là hai tờ khác nhau.

Tại tòa, chủ đại lý khai đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề đổi thưởng vé số, tuy nhiên lại không phát hiện tờ vé số đã bị cắt dán, dù đã đưa vào máy soi kiểm tra hai lần. Trong khi người khác chỉ bằng mắt thường đã thấy rất rõ sự bất thường.

Sau 5 ngày nghị án, TAND TP Rạch Giá tuyên bà Tuyết thắng kiện, buộc ông Phúc phải bồi thường thiệt hại 1,5 tỷ đồng cho bà Tuyết. Sự việc tưởng như đến đây đã có hồi kết, tuy nhiên sau phán quyết của tòa, ông Phúc vẫn không chịu bồi thường, tiếp tục kháng cáo.

Bà Tuyết khóc rưng rức: “Theo dự kiến, ngày 10/8 tòa phúc thẩm tiếp tục xử, nhưng đến cuối giờ chiều thì đột nhiên tạm hoãn vì một số chi tiết chưa được làm rõ... Vị chủ tọa yêu cầu trong phiên tòa tới sẽ đưa chiếc máy soi đến tòa để ông Phúc trực tiếp làm thực nghiệm lại xem có phát hiện được dấu hiệu bất thường trên tờ vé số hay không. Tui rất đồng tình. Hi vọng lần này mọi chuyện sẽ sáng tỏ...”.

Người phụ nữ ngậm ngùi, tuy vụ kiện có nhiều hi vọng nhưng sự việc tiếp tục kéo dài càng khiến bà và người thân lâm vào cơ cực. Bà kể, họ tộc bà 3 đời nay ai cũng nghèo khó. Bà có 6 em gái và 1 em trai. Cha mẹ mất sớm khi người em út mới một tuổi. Chị em bà đều không được đi học.

Khi các em khôn lớn, bà lấy chồng cùng xóm. Sau khi sinh được hai người con, người chồng theo thuyền đi đánh cá xa bờ rồi mãi mãi không về. Ba mẹ con bà tá túc trong căn nhà lá do hàng xóm chung tay dựng lên. Người con gái đầu của bà học đến lớp 3 thì nghỉ học vì quá nghèo, con trai lên 6 tuổi lên cơn sốt rồi bị tật đôi chân, phải bán vé số dạo mưu sinh.

Bà Tuyết xúc động kể: “Nó được người ta thương nên ngày nào cũng đắt khách. Thấy ai tội nghiệp nó cũng sẵn lòng mua ủng hộ lại một tờ, ngày nào cũng vậy. Có lẽ ở hiền gặp lành nên tối hôm đó nó nằm mơ thấy một ông lão râu tóc bạc trắng mách bảo mua tờ vé số có dãy số 938368.

Chiều hôm sau nó gọi điện về cho tui giọng run rẩy đến nỗi nói lắp: “Mẹ ơi con trúng giải độc đắc rồi”. Tui mừng đến gần xỉu, khấp khởi bắt xe xuống chỗ con để đi nhận thưởng... Tưởng trời thương cho mẹ con tui thoát nghèo, ai ngờ bị kẻ gian lừa gạt, suốt 5 năm nay phải chịu biết bao lận đận, oan ức, nghèo lại càng nghèo thêm...”.

Giáp tết năm 2012, sau những sự việc bà và người thân gặp phải, chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng giúp bà dựng lên mái nhà che nắng che mưa. “Mỗi lần lên xuống tòa, tui không có tiền, hàng xóm láng giềng thương tình mỗi người gom góp một ít cho tui vay mượn.

Đến nay tui đã nợ cả trăm triệu đồng...  Tui chỉ hi vọng tòa sớm giải quyết cho tui nhận được tiền để trả nợ cho người ta. Hôm trước không có tiền, tui phải đi cầm cố nhà cửa được 50 triệu đồng để trả bớt nợ nần...”, bà Tuyết trải lòng.

Ngày 15/4/2016, sau khi được hàng xóm cho tiền, anh Được tiếp tục mua 3 tờ vé số của người bán dạo. Điều bất ngờ là một trong 3 tờ vé số trên đã trúng giải được 100 triệu đồng.
Nhờ khoản tiền trên, mẹ con bà Tuyết mới trang trải được một phần chi phí cuộc sống, trả bớt nợ nần và tiếp tục hành trình đòi lại giải thưởng của tờ vé số độc đắc “938368” do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang phát hành, mở thưởng vào ngày 21/7/2011. 

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.