Ngày 4/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức. Theo đó, Chính phủ sửa đổi điểm a và bổ sung điểm 1, khoản 1, Điều 2 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, trước đó tại điểm a, khoản 1 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định: Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh: Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.
Nhưng nay Nghị định số 104/2020/NĐ-CP sửa đổi điểm này thành: Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh: Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.
Cũng theo Nghị định số 104/2020/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung điểm 1, khoản 1, Điều 2 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP như sau: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng áp dụng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức. Các chức danh này trước đó, không được quy định trong Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.
Như vậy, từ ngày 4/9/2020, khi Nghị định số 104/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh như: Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không còn là đối
tượng được điều chỉnh bởi Nghị định 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại khoản 3 Điều 187 của Bộ luật Lao động. Trong khi cán bộ, công chức là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy là người dân tộc thiểu số lại thuộc đối tượng áp dụng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngoài các chức danh, chức vụ nêu trên, những cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh khác cũng thuộc đối tượng được áp dụng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;
Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán TAND Tối cao, Kiểm sát viên VKSND Tối cao cũng thuộc đối tượng áp dụng về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.