Cụ thể, trong quản lý tài sản công, Bộ Tài chính tiếp tục đảm nhận chức năng thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công theo quy định của pháp luật; chủ trì, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mua sắm, xác lập sở hữu, giao, khai thác, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng tài sản công theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật; tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản công trong cả nước, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, thay vì phải quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ như hiện hành, trong Nghị định mới, Bộ Tài chính chỉ cần xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức kiểm tra đối với công tác mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật và phân công của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ còn chức năng tham gia ý kiến thay vì thẩm định dự thảo tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng do các Bộ, cơ quan khác ở trung ương xây dựng trước khi ban hành.
Trong nhiệm vụ quản lý ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính được bổ sung thêm việc tổng hợp, lập, trình Chính phủ kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia, điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm song song với việc tổng hợp, lập, trình, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm như hiện nay.
Nhiệm vụ này nhằm thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước 2015 mới có hiệu lực.
Các chức năng quản lý khác của Bộ Tài chính như dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật,... cơ bản được giữ như hiện hành.
Nghị định này thay thế Nghị định số 215/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính có 29 đơn vị, trong đó có 25 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 4 tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ.