Triều đại Lê Thánh Tông là một trong những triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà một trong các yếu tố làm nên sự hưng thịnh ấy chính là những cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước. Trong 38 năm trên ngôi báu (1460 - 1497), Vua Lê Thánh Tông đã có nhiều cải cách quan trọng đối với hệ thống pháp luật và bộ máy chính quyền nhà nước, để lại cho hậu thế nhiều bài học cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trên cơ sở các dữ liệu lịch sử thu thập, tổng hợp kết quả nghiên cứu có liên quan, chúng tôi thấy, dưới triều Vua Lê Thánh Tông đạt được 8 thành tựu nổi bật trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước sau đây:
Thứ nhất, triều đại Lê Thánh Tông đã tạo ra một bước tiến lớn về kỹ thuật lập pháp và pháp điển hóa, thể hiện ở các tập hệ thống hóa pháp luật là Thiên Nam dư hạ tập và Hồng Đức thiện chính thư và đặc biệt là bộ Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức)
Bộ luật Hồng Đức là một bộ luật lớn, có đối tượng, phạm vi, nội dung điều chỉnh rộng nhất trong các văn bản do nhà nước phong kiến ban hành. Mặc dù được xây dựng theo mô hình của một bộ hình luật thời phong kiến (phần lớn các quy định là xác định hình phạt và tội phạm) nhưng thực tế, Bộ luật Hồng Đức đã vượt qua khỏi khuôn khổ của hình luật để điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, tố tụng, quân sự, bang giao quốc tế… Điều này làm Bộ luật trở nên toàn diện, hiếm thấy trong thời đại phong kiến. So với một số bộ luật khác thì Bộ luật Hồng Đức có số lượng điều luật lớn hơn hẳn: 722 điều, trong khi đó, bộ luật nhà Đường chỉ có 501 điều và bộ luật nhà Minh chỉ có 460 điều.
Nội dung của Bộ luật Hồng Đức vừa thể hiện tính kế thừa vừa có tính phát triển với những tư tưởng tiến bộ mới thời Hậu Lê; đã trực tiếp kế thừa, phát triển và hoàn thiện nhiều thành tựu pháp luật của hệ thống pháp luật Lý - Trần.
Thứ hai, những cải cách pháp luật của triều Vua Lê Thánh Tông đã đề cao tư tưởng “trọng pháp”
Trong gần 40 năm trị vì, Vua Lê Thánh Tông đã đề ra những chính sách phát triển đất nước với tư tưởng “trọng pháp” khá rõ ràng. Ông khẳng định với quần thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi đều phải tuân theo” và “đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được cho bọn coi thường pháp luật”. Điều đó không chỉ được thể hiện trong cách thức tổ chức và quản lý bộ máy nhà nước mà còn thể hiện rất rõ qua các văn bản pháp luật, đỉnh cao là Bộ luật Hồng Đức. Điều 683 quy định: trong bản án, khi luận tội quan xử án phải dẫn đúng điều luật nói về tội phạm đó, không được thêm bớt. Còn theo Điều 685 thì những chế sắc của vua luận tội gì, chỉ xét xử nhất thời chứ không phải là sắc lệnh vĩnh viễn thì không được viện dẫn mà xử đoán việc sau. Theo Điều 708, nếu xét những tội có điều nghi ngờ thì cứ chiểu theo tội đó mà giảm. Đặc biệt, Điều 722 quy định hình quan khi định tội danh phải chiểu chính điều trong luật, không được tự ý thêm bớt hoặc viện dẫn điều khác.
Thứ ba, Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng pháp trị và đức trị, đồng thời chú ý đến bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và những người yếu thế
Sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong Bộ luật Hồng Đức thể hiện ở việc Vua Lê Thánh Tông sử dụng lễ giáo để răn đe, kết hợp với hình phạt nghiêm khắc để trừng trị người vi phạm. Trong khuôn khổ của đạo đức Nho giáo, Bộ luật có những quy định củng cố và bảo vệ quan hệ gia trưởng trong gia đình, nhưng cũng có nhiều quy định bảo vệ quyền của người phụ nữ, thể hiện sự tiến bộ so với quan điểm phong kiến đương thời. Đặc biệt, có nhiều điều luật trong Bộ luật Hồng Đức bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ mà trong các bộ luật phương Đông đương thời không có, chẳng hạn người con gái được quyền chia tài sản như con trai (Điều 388), trường hợp gia đình không có con trai, con gái trưởng được quyền kế thừa hương hỏa (Điều 391), khi gia đình phải phân chia tài sản thì tài sản do hai vợ chồng gây dựng nên được chia đôi (Điều 374, 375) và trường hợp người chồng ruồng bỏ không đi lại với vợ trong 05 tháng thì người vợ có quyền bỏ chồng (Điều 308).
Bộ luật Hồng Đức ở mức độ nhất định đã bảo vệ và quan tâm đến đời sống của dân thường, đặc biệt là những người nghèo khổ. Những quy định mang tính nhân đạo này thể hiện tinh thần trị nước, thương dân, tư tưởng về nhân quyền của Nhà vua.
Thứ tư, triều đại Lê Thánh Tông đã thực hiện cải cách bộ máy nhà nước theo hướng thực việc, thực quyền
Song song với cải cách pháp luật, triều đại Lê Thánh Tông cũng đã thi hành những cải cách táo bạo trong bộ máy nhà nước, sửa lại những phép cũ của tổ tiên để phù hợp hơn với điều kiện mới – điều mà những người trước đó chưa làm được. Tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương với sáu bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công) đã được đặt ra từ thời Lý. Tuy nhiên, đây chỉ là những cơ quan phụ trợ. Ở thế kỷ XIV mới xuất hiện một số thượng thư - người đứng đầu bộ - song vị trí của bộ trong triều vẫn như cũ. Đầu thời Lê sơ nhà nước chỉ có hai bộ là Lại và Lễ. Năm 1460, Vua Lê Nghi Dân cũng đặt sáu bộ nhưng phải đến thời Lê Thánh Tông, sáu bộ này mới chính thức trở thành những cơ quan có thực quyền, trông coi hầu hết các công việc chính của triều đình.
Sau 05 năm giữ ngôi, vào năm 1465, Lê Thánh Tông đổi tên gọi sáu khoa được lập từ thời Vua Lê Nghi Dân thành sáu tổ chức tương ứng với sáu bộ. Năm 1466, Vua tiếp tục cải cách thông qua bãi bỏ sáu viện, đặt lại sáu bộ và lập thêm sáu tự. Như vậy, chỉ sau 07 năm trị vì, triều đình Vua Lê Thánh Tông đã hình thành đầy đủ lục bộ, lục khoa, lục tự, có chức năng riêng và có quan hệ phối hợp trong quản lý điều hành, thực thi các chính sách xây dựng đất nước trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Ngoài các cơ quan chủ chốt đó, bộ máy chính quyền ở Trung ương dưới triều Vua Lê Thánh Tông còn tổ chức thành các cơ quan, tổ chức chuyên trách. Mỗi cơ quan, viên chức đều được quy định chức trách rõ ràng.
Thứ năm, triều đại Lê Thánh Tông đã tinh giản, thu gọn bộ máy nhà nước
Đức vua Lê Thánh Tông đã bãi bỏ các chức tể tướng như tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không), Tả, hữu Tướng quốc, Bộc xạ, Đại hành khiển. Vua tự mình giải quyết mọi việc với sự giúp đỡ của một nhóm các Thái (sư, uý, phó, bảo) cùng các đại học sỹ. Các cơ quan như Nội mật viện, Chính sự viện, Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh, Tông nhân phủ cũng bị bãi bỏ. Vua làm việc trực tiếp với sáu bộ, sáu tự và sáu khoa. Một số thư, cục cấp dưới không còn nữa. Bộ máy nhà nước Trung ương trở nên gọn nhẹ, đơn giản hơn.
Năm 1467 (năm Quang Thuận thứ 8), Đức vua ra sắc lệnh bãi bỏ việc tổng binh các đạo được kiêm nhiệm công việc thừa chính. Có việc này là do mặc dù ở thừa ty đã đặt chức thừa chính sứ nhưng phần nhiều đều do tổng binh kiêm giữ.
Thứ sáu, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, triều đại Lê Thánh Tông rất coi trọng hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát nội bộ trong bộ máy nhà nước
Để thực hiện giám sát đối với bộ máy quan lại bên dưới, trong kinh, ngoài Ngự sử đài vốn có từ trước, Đức vua Lê Thánh Tông đã đặt thêm các ty ngự sử, đứng đầu là giám sát ngự sử đạo để giám sát việc quân dân các đạo. Giám sát ngự sử đạo được phân trông giữ việc quân dân của một hoặc hai, ba xứ (đạo). Cả thảy có sáu ty ngự sử. Ngự sử đài trông coi cả công việc của ty ngự sử 13 đạo. Vua định rõ nhiệm vụ cai trị của các ty ngự sử và giám sát ngự sử đạo thuộc Ngự sử đài, đã phân ra các giám sát ngự sử đạo Thanh Hoa - Nghệ An, Hải Dương - An Bang, Sơn Nam - Thuận Hoá - Quảng Nam, Sơn Tây - Hưng Hoá; Kinh Bắc - Lạng Sơn, Thái Nguyên - Tuyên Quang.
Thứ bảy, Vua Lê Thánh Tông đã xây dựng một quy trình tuyển chọn quan lại qua khoa cử, quy định chế độ công vụ, bổ cử, thăng giáng, thuyên chuyển chuẩn mực, chặt chẽ nhằm tuyển chọn người tài cho bộ máy quan lại
Bên cạnh những cải cách trong bộ máy nhà nước, Đức vua Lê Thánh Tông đã thực thi những chính sách để tuyển chọn người có thực tài phục vụ cho bộ máy này. Đức vua Lê Thánh Tông cũng đặt ra mục tiêu xây dựng một đội ngũ quan lại được đào tạo bài bản qua khoa cử. Đức vua bỏ chế độ bổ dụng vương hầu, quý tộc vào các chức vụ của triều đình kiểu “cha truyền con nối” mà lấy thước đo về học vấn và đức độ làm tiêu chuẩn dùng người. Những người nông dân bình dị nhưng giỏi giang, qua khoa cử mà đã thay đổi hẳn địa vị xã hội của mình. Bộ phận sĩ phu đó đã trở thành chỗ dựa của chính quyền.
Đặc biệt, để đảm bảo tuyển chọn được những người có thực tài, lần đầu tiên dưới thời phong kiến, Lê Thánh Tông thực hiện chế độ thử việc đối với quan lại (hay còn gọi là thí chức). Người có chức vụ không chính thức, sau một thời gian thử việc, nếu thấy được, không phạm lỗi gì thì được thăng cấp cho nhận chức chính thức.
Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông còn áp dụng phép “khảo khóa” để rà soát, chọn lọc đội ngũ quan lại, loại bỏ những người kém đức, ít tài. Nhờ các biện pháp trên, triều đại Lê Thánh Tông đã hình thành được một bộ máy quan lại chuyên nghiệp vào loại hàng đầu trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Thứ tám, Vua Lê Thánh Tông đã đề ra những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, chống lạm quyền đối với mọi quan lại đi kèm một chế độ đãi ngộ phù hợp
Lê Thánh Tông đề ra nhiều biện pháp để đảm bảo bộ máy quan lại thực thi đúng phép nước. Đức vua không cho phép quan lại nhậm chức ở ngoài ty lấy vợ trong địa phận cai quản của mình. Nhà vua cũng cho thực thi chế độ luân chuyển đối với quan lại.
Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng củng cố những thành công cho cải cách tổ chức nhà nước và bộ máy quan lại là Đức vua Lê Thánh Tông đã chú trọng đến các điều kiện đảm bảo tính trong sạch cho hệ thống quan lại, đảm bảo bộ máy quan lại tận tâm thực hiện trọng trách của mình. Nhà vua đã đặt ra các chế độ bổng lộc, ban cấp ruộng đất, tập ấm, nhà ở, định lệ trí sĩ (hưu). Kết quả là, theo sử cũ ghi chép, từ những năm 1480 cho đến cuối đời Lê Thánh Tông, các thói tệ xấu trong hàng ngũ quan lại đã giảm đáng kể. Để giữ gìn thái bình cho việc trị quốc, Đức vua Lê Thánh Tông cũng rất chú trọng đảm bảo sự hài hoà các lợi ích trong bộ máy của triều đình.
Nhờ những cải cách mạnh mẽ về pháp luật và bộ máy nhà nước, triều đại Lê Thánh Tông đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, một bộ máy nhà nước thông suốt và hiệu quả vận hành bởi một hệ thống quan lại thực việc, thực tài.
Những thành tựu này không chỉ là những mẫu mực của một vương triều phong kiến mà còn để lại những bài học quý báu cho hiện tại, đặc biệt trong việc tiếp thu có chọn lọc pháp luật nước ngoài đảm bảo phù hợp với truyền thống dân tộc và đặc thù của quốc gia; tổ chức bộ máy nhà nước gọn nhẹ trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng; trọng dụng người tài và đảm bảo hài hòa các lợi ích. Hiểu được những giá trị về cải cách pháp luật và bộ máy nhà nước của triều đại Lê Thánh Tông giúp chúng ta tiếp thu những di sản của ông cha để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày nay.