Ngày 3-12, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai một số văn bản pháp luật cho cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, gồm: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Thanh Hoá; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, báo cáo viên pháp luật…
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt những nội dung chính của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Đình Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã quán triệt một số nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Văn Truyền triển khai những nét mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hay gọi tắt là PPP) là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư. Đây là đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định cho doanh nghiệp.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến những nội dung chính của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. |
Luật gồm 11 chương và 101 điều với những nội dung mới cơ bản về lĩnh vực đầu tư; quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; về Hội đồng thẩm định dự án PPP; quy định về vốn Nhà nước trong dự án PPP; về lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; về huy động vốn của doanh nghiệp dự án; về kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, về dự án BT.. . Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Luật Ban hành VBQPPL được ban hành năm 2015. Sau 3 năm thi hành luật đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập khiến cho quy trình xây dựng, soạn thảo, ban hành VBQPPL ở địa phương.
Từ thực tiễn đó, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành VBQPPL với những nội dung cơ bản, như: Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể, sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; quy định rõ hơn trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; bổ sung thêm một số hình thức VBQPPL; thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập, đề nghị, chủ trì soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL trong xây dựng, ban hành văn bản… Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành VBQPPL có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực ngày 1-1-2021, quy định mở rộng phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự (phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao); sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; thời gian giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định…