Thân phận 'hạng hai' của những cô dâu ngoại ở Arab Saudi

Teresa Malof “chẳng còn gì” sau khi chia tay chồng.
Teresa Malof “chẳng còn gì” sau khi chia tay chồng.
(PLVN) - Với Teresa Malof, đoạn quảng cáo tìm y tá làm việc ở Arab Saudi thực sự là cơ hội để làm lại cuộc đời. Lúc bấy giờ Malof 29 tuổi, có mẹ vừa qua đời và cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Cảm thấy cần một khởi đầu mới, Malof quyết định rời Cincinnati, Mỹ, và tới làm việc tại Bệnh viện Vệ binh Quốc gia Vua Fahad ở Riyadh, thủ đô Arab Saudi.

Đó là vào năm 1996. Hơn 20 năm sau, Malof vẫn ở thành phố này và Arab Saudi trở thành quê hương thứ hai. Malof kết hôn lần thứ hai và vay tiền ngân hàng để mua một ngôi nhà tại vùng ngoại ô cao cấp của Riyadh sống cùng chồng, Mazen, một cựu sinh viên Đại học Nam California, và ba con là Naif, Shireen và Mishal.

Sau 18 năm, cuộc hôn nhân thứ hai của Malof bắt đầu có những rạn nứt nghiêm trọng không thể hàn gắn. Tuy nhiên, khi tìm cách ly hôn, Malof cho biết bà lập tức gặp phải những giới hạn do hệ thống pháp luật dựa trên luật Hồi giáo Sharia tạo ra, vốn coi phụ nữ chỉ như công dân hạng hai và khiến những người vợ không có nhiều lợi thế trước tòa.

Malof và Mazen ly dị bốn năm trước nhưng bà vẫn đang phải trả tiền vay và lãi ngân hàng cho ngôi nhà bà và chồng cũ mua, dù bà phải rời khỏi nhà gần như ngay lập tức kể từ lúc cuộc hôn nhân kết thúc.

Hàng loạt đơn kiện liên quan tới quyền sở hữu ngôi nhà được nộp lên tòa án khiến bất động sản bị đóng băng, vì thế dù ngôi nhà đứng tên Malof, bà không thể bán nó hay chuyển khoản nợ lại cho chồng cũ.

Chồng cũ của Malof khăng khăng cho rằng bà đang nói dối và ông có quyền sở hữu một phần ngôi nhà vì số tiền ông đã chi cho Malof cùng các con. Malof cũng không thể buộc chồng cũ trả khoản tiền giải quyết ly hôn. Không có nó, bà đối diện nguy cơ khủng hoảng tài chính. "Tôi muốn được tự do, muốn chấm dứt tình thế hiện nay. Nhưng tôi có cảm giác chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra", Malof nói.

Arab Saudi lâu nay vẫn đối xử với phụ nữ như công dân hạng hai. Luật pháp quy định phụ nữ, dù là người Arab Saudi hay người nước ngoài lấy chồng Arab Saudi, phải được một người thân là nam giới hoặc chồng cho phép mới có thể đi du lịch, điều trị y tế hay ra các quyết định quan trọng khác.

Dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman, Arab Saudi đang nỗ lực thay đổi hình ảnh. Chính phủ gần đây bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, nới lỏng một số giới hạn trong luật giám hộ và đề cao vai trò của phụ nữ nơi công sở. Tuy nhiên, không ít phụ nữ Arab Saudi cho rằng thay đổi vẫn là chưa đủ.

Trường hợp của Malof là minh chứng cho sự bất bình đẳng trong hệ thống pháp luật Arab Saudi, vốn dựa trên luật Hồi giáo hà khắc. Luật Sharia hầu hết không được ghi chép và dựa trên kinh Koran cùng những văn bản Hồi giáo khác nên các thẩm phán có những cách rất khác nhau để diễn giải chúng.

"Các thẩm phán cũng chính là vấn đề. Họ xem phụ nữ trong những trường hợp như vậy là người đang yêu cầu điều gì đó chứ không phải người có quyền lợi. Trong khi đó, đàn ông luôn được nhìn nhận như bên bị hại", một người quen của Malof nói.

Người phụ nữ này cho hay cô từng kiện lên tòa án để thoát khỏi việc bị giám hộ nhưng quá trình diễn ra vô cùng khó khăn. "Họ kéo dài vấn đề một cách không cần thiết suốt hàng năm liền", cô nói. "Cứ như thể bạn muốn uống nước, đấy là quyền của bạn, nhưng bạn vẫn phải xin phép".

Theo cô, với những phụ nữ là người nước ngoài, vấn đề còn phức tạp hơn nhiều. Không ít phụ nữ, chẳng hạn như Malof, phải cải sang đạo Hồi nếu muốn kết hôn với đàn ông Arab Saudi và thường không nói tiếng bản địa.

Malof không có phiên dịch viên do tòa chỉ định, đồng nghĩa bà không hiểu tường tận những văn bản mà tòa yêu cầu bà ký hay những lập luận được đưa ra trước tòa. Cuối cùng, bà mời được một người bạn tới tòa phiên dịch cho mình nhưng lúc bấy giờ Malof đã bỏ lỡ những cơ hội hợp pháp để đòi quyền lợi.

Người nước ngoài cũng gặp bất lợi khi sự hiện diện hợp pháp của họ tại Arab Saudi phụ thuộc vào người giám hộ, trong trường hợp Malof là bệnh viện nơi bà làm việc và chồng bà.

Trong quá khứ, cô dâu nước ngoài sau khi ly dị sẽ phải về nước, bỏ lại con cái ở Arab Saudi và chỉ có thể gặp con nếu chồng cũ cho phép. Bộ Tư pháp Arab Saudi gần đây mới thành lập cái mà họ gọi là Quỹ Cấp dưỡng nhằm hỗ trợ tài chính cho những phụ nữ ly hôn hoặc bị bỏ rơi.

Ngoài hỗ trợ tài chính, Bộ Tư pháp còn phạt tù lên đến bảy năm đối với những người chồng trốn tránh chi tiền cấp dưỡng.

Chính phủ Arab Saudi còn áp dụng cái gọi là "quyền thuộc về mẹ của một công dân Arab Saudi", cho phép họ đến và đi khỏi Arab Saudi cũng như làm việc mà không cần sự cho phép từ người giám hộ. Trong một số trường hợp, phụ nữ nước ngoài có thể được cấp quốc tịch Arab Saudi.

Nhưng những vấn đề với phụ nữ nước ngoài vẫn không thể được xóa bỏ bởi chúng còn phụ thuộc vào sự hợp tác của người chồng cũ trong các thủ tục giấy tờ. Trong trường hợp của Malof, bà có quyền được nhận hộ chiếu Arab Saudi nhưng chồng bà không tuân thủ các quy trình đề ra.

Sau khi ly hôn, người chồng giúp Malof nhận được giấy phép cư trú đặc biệt nhưng không phải là quốc tịch, nên bà không thể nhận những lợi ích dành cho người đã sống và làm việc gần như cả cuộc đời tại Arab Saudi.

"Tôi đã 51 tuổi rồi", Malof nói. "Tôi đã làm việc cả cuộc đời mình, rời khỏi đất nước quê hương mình, những đứa con từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Tôi còn không có cả lương hưu. Chẳng có gì. Phụ nữ Arab Saudi cũng đối diện hoàn cảnh tương tự nhưng họ còn có gia đình hỗ trợ. Ở đây, chúng tôi hoàn toàn lẻ loi".

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.