Tổ hợp năng lượng tái tạo (NLTT) của Trung Nam Group gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời, đã chính thức hoàn thành với việc khánh thành giai đoạn 3 nhà máy điện gió với tổng cộng 45 trụ gió hình bậc thang (cao lần lượt 86m - 116m - 135m).
Gió được xem như 1 ưu đãi của Việt Nam nhưng những khó khăn trong thực tế về công nghệ, đầu tư, thi công... khiến cho loại hình năng lượng này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Tính đến thời điểm này, sau 10 năm phát triển, tổng công suất điện gió mới đạt hơn 530MW, trong đó Trungnam Group sở hữu hơn 152MW.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, đầu tư điện gió thách thức hơn rất nhiều so với điện mặt trời, vì tất cả các thiết bị đều là dạng siêu trường, siêu trọng. Các loại xe chuyên dụng để chở thiết bị từ cảng về đến công trường, lắp đặt thiết bị ở độ cao hơn 100m, với cấu kiện trên 100 tấn đòi hỏi độ an toàn cực lớn.
Đối với giai đoạn 3 Dự án điện gió Thuận Bắc, Trung Nam Group đã mất hơn hơn 1 năm để lắp đặt với số lượng nhân công lên đến 1.000 người, với hơn 4.000 chuyến xe container và xe siêu trường, siêu trọng chạy liên tục 24/7, vận chuyển thiết bị.
Tới đây, Trung Nam sẽ phải đối mặt với thách thức cực lớn khi vận chuyển hơn 84 trụ gió với tổng công suất lên đến hơn 400MW từ cảng Ba Son, Nam Vân Phong lên cao nguyên Đắk Lắk. Ngoài ra, Tập đoàn này còn chạy đua lắp đặt 50MW điện gió của Nhà máy Phước Hữu Ninh Thuận và hơn 100MW ở Trà Vinh. Tất cả đều đặt mục tiêu phải hoàn thành trước tháng 11/2021 để được hưởng ưu đãi giá FIT 2 dành cho điện gió.
“Chúng tôi không biết trước cuộc đua này sẽ xảy ra khó khăn gì nhưng với kinh nghiệm và sự chuẩn bị tốt từ nhân lực, vật lực và đội ngũ chuyên gia hùng hậu đến từ các đối tác lớn, lâu năm của Đức, cùng kỹ sư Việt Nam, chúng tôi chắc chắn sẽ về đích”, ông Tiến khẳng định.
Cùng với đó, Trung Nam vẫn tiếp tục hướng về phía trước bằng cách đầu tư các nhà máy điện gió trên bờ, dưới biển giai đoạn 2022 đến năm 2030-2045. Trước mắt, mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10GW điện hòa lưới hệ thống điện quốc gia, thể hiện tham vọng trở thành nhà đầu tư NLTT hàng đầu Việt Nam, vừa hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh phát triển NLTT, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.