Thảm sát bằng xe tải trong Quốc khánh Pháp: Hậu quả thảm khốc của khủng bố công nghệ thấp

Chiếc xe tải lỗ chỗ vết đạn được sử dụng trong vụ tấn công ở Nice.
Chiếc xe tải lỗ chỗ vết đạn được sử dụng trong vụ tấn công ở Nice.
(PLO) -Vụ tấn công bằng xe tải ở Pháp cho thấy khủng bố có thể gây ra thương vong khủng khiếp như thế nào bằng những công cụ giết người công nghệ thấp.

Theo cây bút David Wroe từ Sydney Morning Herald, vụ tấn công là bằng chứng kinh hoàng nhưng rõ nét nhất cho thấy khủng bố công nghệ thấp cũng có khả năng mang đến những hậu quả thảm khốc cho xã hội.

"Cần gì đến súng đạn khi mà bạn có thể lái một xe tải lớn lao với tốc độ 70 km/h vào đám đông và vẫn tạo ra thương vong tương đương",Wroe viết.

Khủng bố thay đổi phương thức hành động?

Hiện chưa rõ tổ chức nào đứng sau vụ việc, nhưng Wroe cho rằng phương pháp tấn công kiểu như trên đã nhanh chóng phát triển trong các mạng lưới Hồi giáo cực đoan từ năm 2014, khi người phát ngôn của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Muhammad al-Adnani thúc giục những kẻ ủng hộ trên toàn thế giới "tận dụng bất cứ loại vũ khí nào trong khả năng" để tấn công phương Tây.

Nếu một chiến binh không có bom hay súng để đoạt mạng nạn nhân thì hãy "dùng đá tảng đập vào đầu hắn ta, hành quyết hắn bằng một con dao sắc, đâm xe vào hắn, ném hắn xuống từ trên cao, làm hắn nghẹt thở hay đầu độc hắn", Adnani kêu gọi.

Theo Wroe, việc khuyến khích sử dụng những phương tiện thô sơ, sẵn có để tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu thực sự là một thay đổi lớn về chiến lược của những kẻ khủng bố. Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi giờ đây chúng có thể tấn công ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào và với bất cứ phương tiện nào, ông nhấn mạnh.

Trong một video tung ra hồi năm 2014, IS khuyến khích các phần tử cực đoan tấn công người dân Pháp bằng xe hơi hay những vũ khí dễ tiếp cận khác. Giống với IS, al-Qaeda cũng kêu gọi thành viên tấn công cư dân phương Tây bằng ôtô.

Trên một tạp chí do al-Qaeda phát hành, tổ chức này gợi mở ý tưởng "dùng một chiếc xe bán tải làm máy cắt cỏ, nhưng thứ nó cắt không phải cỏ mà là kẻ thù của thánh Allah".

Các tài khoản ủng hộ IS trên Telegram, một ứng dụng nhắn tin mà phiến quân IS thường sử dụng để lan truyền thông điệp, đã ăn mừng vụ tấn công ở Nice. Tuy nhiên, nhóm này vẫn chưa chính thức đứng ra nhận trách nhiệm.

Mia Bloom, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Georgia, Mỹ, đánh giá vẫn còn quá sớm để xác định ai là chủ mưu vụ tấn công ở Nice.

"Quả thật IS đã đưa trở lại Pháp rất nhiều chiến binh để thực hiện các cuộc tấn công kiểu này. Cũng đúng khi nói rằng nếu al-Qaeda cảm thấy bị lãng quên, chúng sẽ lên kế hoạch thu hút sự chú ý của dư luận. Nghiên cứu của tôi cho thấy cả hai nhóm này có khả năng sẽ cạnh tranh với nhau để tiến hành những cuộc tấn công thậm chí còn kinh hoàng hơn nữa", bà Bloom cho hay.

Thi thể nằm la liệt tại hiện trường.
Thi thể nằm la liệt tại hiện trường. 

Lo ngại “cơn cuồng loạn trong tuyệt vọng” của IS

Dù phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chưa đứng ra nhận trách nhiệm về vụ thảm sát bằng xe tải trong ngày quốc khánh Pháp ở Nice, giới phân tích cho rằng vụ việc này hội đủ các yếu tố của một cuộc khủng bố do IS gây ra trong cơn tuyệt vọng.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh IS đang lâm vào tình thế ngày càng khó khăn ở Iraq và Syria. Vùng đất do phiến quân kiểm soát đang bị thu hẹp hơn bao giờ hết, khi nhiều thành phố chiến lược lần lượt rơi vào tay đối phương trong những tháng gần đây. 

Ở Iraq, quân đội chính phủ đang hình thành thế bao vây quanh sào huyệt của phiến quân ở thành phố Mosul. Tại Syria, sào huyệt Raqqa cũng đang bị đe dọa từ nhiều hướng khác nhau, theo Huffington Post.

IS mới đây cũng xác nhận Omar al-Shishani, "bộ trưởng chiến tranh" của tổ chức, kẻ được mệnh danh là thủ lĩnh râu đỏ, bị tiêu diệt cách đây nhiều tháng trong một cuộc không kích do Mỹ tiến hành ở Syria.

Hứng chịu những thất bại liên tiếp, IS đã kêu gọi những phần tử ủng hộ ở nước ngoài tổ chức các cuộc tấn công bằng mọi hình thức để trả đũa phương Tây, trong đó có Pháp, nước ủng hộ tích cực cho chiến dịch tiêu diệt IS do Mỹ dẫn đầu.

Thực tế cho thấy trong những tháng vừa qua, nước Pháp đã trải qua nhiều cuộc tấn công khủng bố hụt. Tháng 8 năm ngoái, hai lính Mỹ đã cứu nước Pháp khỏi thảm họa, khi kịp thời ra tay khống chế một kẻ mang súng lên tàu với ý đồ thực hiện một vụ xả súng. 

Hồi tháng một, cảnh sát Pháp bắn chết một kẻ mang dao đúng dịp kỷ niệm một năm ngày xảy ra vụ tấn công ở tòa soạn Charlie Hebdo. Họ phát hiện cờ IS trong người tên này.

Theo giáo sư John A. Tures thuộc Đại học LaGrange, vụ tấn công mới nhất bằng xe tải ở thành phố Nice hội đủ các dấu hiệu của một âm mưu khủng bố do IS tiến hành. Nó rất giống với kế hoạch của tên Abu Musab al-Zarqawi, kẻ muốn dùng một loạt xe tải để lao thẳng vào đại sứ quán Mỹ ở Jordan, sau đó kích nổ. Trong nhiều vụ tấn công khủng bố gần đây ở Baghdad, IS cũng tăng cường sử dụng các xe tải chở bom.

Bởi vậy, ông Tures nhận thấy IS ít nhiều có liên quan đến vụ thảm sát này, ngay cả khi kẻ tấn công chỉ là một "con sói đơn độc" thề trung thành với IS. Giống như vụ đánh bom ở sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hay vụ xả súng ở Orlando, Mỹ, vụ đâm xe này nhằm mục đích cho thế giới thấy rằng IS vẫn đang mạnh hơn bao giờ hết.

Giáo sư này cho rằng đây chính là "đòn giãy chết" của IS, khi phiến quân đang mất dần thành viên, tiền bạc, khu vực kiểm soát, lãnh đạo, và chỉ còn là cái bóng của một tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới cách đây hai năm. Mới đây, IS đã phải ra thông báo cho các thành viên rằng “vương quốc Hồi giáo” mà nhóm dày công xây dựng sẽ không còn tồn tại được lâu, theo Washington Post.

Theo ông Tures, đối mặt với cơn cuồng loạn trong tuyệt vọng của IS như vậy, Mỹ và phương Tây phải đưa ra những lựa chọn phù hợp cho đối sách của mình cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Nếu lãnh đạo các nước đầu hàng trước sức ép quá lớn từ những cử tri đang ngày một bất an cho sự an toàn của mình và đưa ra những phản ứng thái quá hay thực hiện chính sách đối nội phân biệt đối xử với người Hồi giáo, họ sẽ tiếp tục đẩy nhiều người phương Tây vào con đường cực đoan hóa và gia nhập IS.

Tures cho rằng liên quân chống IS ở Trung Đông sẽ phải tiếp tục phát huy những thành quả của mình trong việc âm thầm làm tan rã mạng lưới của phiến quân bằng các cuộc không kích chính xác, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trên bộ để chiếm lại lãnh thổ. "Cách phản ứng của chúng ta sẽ quyết định mức độ thành công của chiến dịch chống khủng bố", ông nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.