Ông Hoàng Hưng Quốc - quyền Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Thiên Tân - thông báo tại cuộc họp báo chiều 19/8: Tính đến ngày 19/8 đã xác định có 114 người chết, 64 mất tích, 674 người bị thương đang nằm viện; nhà ở 17 ngàn hộ dân bị hư hại, hơn 1.700 nhà máy xí nghiệp và hơn 30 ngàn người bị ảnh hưởng, hơn 3 ngàn xe hơi bị thiêu hủy. Vụ nổ tạo thành hồ hình tròn đường kính 30m, sâu 7m. Các thùng container hóa chất bị cháy, nổ có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí nghiêm trọng…Nguy cơ về một thảm họa môi trường ở thành phố 15 triệu dân này là có thật.
3 ngày, 2 lần chỉ đạo
Vậy mà đã gần 10 ngày sau khi thảm họa xảy ra mà hàng loạt vấn đề vẫn chưa được giải đáp: ai là chủ thực sự của công ty Thụy Hải? Trong kho có những hóa chất gì, số lượng bao nhiêu? Nguyên nhân thực sự của vụ nổ là gì? Vì sao một kho chứa hóa chất nguy hiểm lại được đặt ngay sát khu dân cư bất chấp các quy định về an toàn như thế?..v.v. Một tổ điều tra do Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập đã được đưa về Thiên Tân ngày 17/8 để tiến hành điều tra toàn diện về vụ nổ cùng những vấn đề xung quanh nó…
Ngày 16/8, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi đến thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ nổ đã tuyên bố: “Sự cố vụ nổ 12/8 liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm và vi phạm các quy định, nhất định phải thiết thực điều tra, truy trách nhiệm, công bố mọi kết quả điều tra, trả lời rõ trước gia đình những người tử nạn, trước nhân dân Thiên Tân, trước nhân dân cả nước và trước lịch sử”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong vòng 3 ngày đã 2 lần chỉ đạo: “
Nghiêm túc điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố và truy xét người chịu trách nhiệm”. Còn Nhân dân Nhật báo thì đăng bình luận với những ngôn từ mạnh mẽ: “
Ngay những vụ án lớn như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch trung ương còn làm đến cùng, công khai xử lý, thì hà tất phải bảo lưu và che dấu một vụ sự cố an toàn? Sao có thể có chuyện quan chức bao che nhau?”.
|
Hố hình thành sau vụ nổ |
“Quan- thương cấu kết”?
Qua diễn biến vụ việc và cung cách xử lý, giải quyết hậu quả vụ nổ, báo chí Trung Quốc chỉ rõ: Nếu thực hiện được ý kiến chỉ đạo của ông Lý Khắc Cường thì cần làm rõ cho được 10 vấn đề.
Thứ nhất, rốt cục ai mới là ông chủ thật sự hoặc người nắm quyền khống chế cổ phần của công ty Thụy Hải? Đến ngày 19/8, sau 8 ngày xảy ra vụ nổ vẫn chưa thấy người chủ của Thụy Hải đứng ra có lời trước thân nhân hàng trăm người chết và mất tích cùng những người bị thương và cả vạn người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. Muốn tìm ra người chủ thật sự, kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ nổ đâu có khó. Đã bắt 10 người trong Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Thụy Hải, bắt Tổng cục trưởng Giám sát an toàn quốc gia… nhưng then chốt là tìm ra ai là ông chủ thực sự và khống chế cổ phần của Thụy Hải thì lại chưa làm được.
Hiện nay thông tin về người chủ thật sự của Thụy Hải rất nhiều và nhiễu loạn: có báo nói là “ông Lý” thân gia của Phó thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ, nguyên Bí thư thành ủy Thiên Tân; có tin nói chủ nhân Thụy Hải chính là Lý Thụy Hải, con trai cựu Chủ tịch Quốc hội Lý Thụy Hoàn; lại có tin chủ Thụy Hải là Đổng Mông Mông, con trai cựu Cục trưởng CA Cảng Thiên Tân Đổng Bồi Quân.
Một ủy viên thường vụ thành ủy Thiên Tân phát biểu lấp lửng: “Tốt nhất Trung ương nên trực tiếp điều tra, như thế sẽ có lợi cho việc kết luận công bằng”. Điều này cho thấy nhân vật đứng sau Thụy Hải không phải tầm thường mà là “Hổ lớn” nên mới lập ra được một công ty lớn, bất chấp mọi quy định an toàn đặt kho chứa hóa chất nguy hiểm trong khu miễn thuế, ngay cạnh khu dân cư và các nhà máy, kho hàng như thế.
Ngày 20/8, tờ Đông Phương đăng bài vạch rõ: Thụy Hải là điển hình của mô hình “quan thương câu kết” tồn tại phổ biến ở Trung Quốc hiện nay. Theo báo này, Thụy Hải là sân sau của các quan chức Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc (Trung Hóa), từ Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị đến Tổng giám đốc công ty tư nhân này đều từng là cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp trực thuộc Tập đoàn; riêng Chủ tịch HĐQT công ty Thụy Hải Vu Học Vĩ, được coi là nắm giữ 55% cổ phiếu, hiện vẫn là Chủ tịch HĐQT CMVH Công ty vận tải hàng nguy hiểm Trung Hóa cảng Thiên Tân, trực thuộc Tập đoàn Trung Hóa.
|
Người dân đeo mặt nạ chống độc khi về nhà lấy đồ đạc |
Ngang với…bom nguyên tử?
Thứ hai, rốt cục hóa chất gì đã gây nên vụ nổ khủng khiếp như thế? Vấn đề này rất quan trọng đối với việc điều tra nguyên nhân sự cố. Ngày 18/8, ông Ngưu Duyệt Quang đã nói trên mục Tiêu điểm của Đài THTW Trung Quốc (CCTV), xác nhận thông tin khiến người ta “sởn tóc gáy”: Tại kho của Thụy Hải ở thời điểm xảy ra vụ nổ có khoảng 800 tấn Ammonium Nitrate (NH4NO3), 500 tấn Potassium nitrate hay Kali nitrat (KNO3), 700 tấn Sodium cyanide hay Natri Cyanua (NaCN) cực độc cùng một số loại hóa chất nguy hiểm khác, tổng cộng tới 4000 tấn/40 loại!
Một nhân viên quản lý kho xin giấu tên cũng tiết lộ cho các phóng viên trong kho khi đó có hơn 30 container Natri Cyanua, mỗi thùng 20 tấn chứa các thùng nhựa mỗi thùng 25kg, tổng cộng khoảng 700 tấn. Được biết số Natri Cyanua này do một nhà máy hóa chất sản xuất gửi ở kho của Thụy Hải đợi xuất sang Nam Phi và 3 nước Nam Mỹ Argentina, Braxin, Peru dùng cho việc tinh luyện vàng.
Chưa hết, ngày 19/8, CCTV đưa tin khiến dân chúng hoảng sợ hơn: Tại hiện trường vụ nổ đã kiểm tra thấy có loại khí độc thần kinh (Neurotoxin) có thể khiến tim ngừng đập, dẫn tới chết rất nhanh. Thông tin này đã được Lý Hưng Hoa - Phó Tham mưu trưởng Tổng đội cảnh sát chữa cháy Bắc Kinh - xác nhận. Ông nói khi sử dụng các thiết bị đo đạc tại khu vực gần trung tâm vụ nổ đã tìm thấy 2 chất cực độc là Neurotoxin và Natri Cyanua, chỉ tiêu đều vượt mức cực đại trên đồng hồ.
Một nguồn tin trên mạng xác nhận thông tin này và cho biết thêm trong kho hàng thời điểm đó có loại vũ khí hóa học tập kết để chuẩn bị chở đi Triều Tiên. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 19/8, ông Hoàng Hưng Quốc lại bác bỏ thông tin nói tìm thấy có chất độc thần kinh tại khu vực gần trung tâm vụ nổ, đẩy “quả bóng” sang phía quân đội…/.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 17, ra ngày 31/8/2015)