Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm-Bộ Tài chính cho biết, theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư phải mua (BHCNBB).
Ngày 23/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về BHCNBB (có hiệu lực từ ngày 15/4/2018, thay thế Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 46/2012/NĐ-CP trước đây), theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên và DN BH thực hiện BHCNBB theo điều kiện, mức phí BH, số tiền BH tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Ngoài việc tham gia BH cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí BH, số tiền BH tối thiểu quy định tại Nghị định 23/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư và DN BH có thể thỏa thuận tại hợp đồng BH về mở rộng điều kiện BH, số tiền BH tăng thêm và mức phí BH bổ sung tương ứng.
Trước đó, BHCNBB được triển khai từ năm 2006 theo Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 46/2012/NĐ-CP. “Các văn bản pháp luật này đã tạo lập hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất cho các DN BH; nâng cao nhận thức về BHCNBB và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ của các tổ chức, cá nhân; tạo công cụ cho các Bộ và các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý, giám sát BHCNBB..”- Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm, ông Nguyễn Quang Huyền nhận định.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), hiện nay trên toàn quốc có 43.693 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia BH (chiếm 56% tổng số cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB.
Chia sẻ về chế tài đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không mua BHCNBB, ông Huyền cho biết, cơ sở pháp lý là Nghị định 167/2013/NĐ-CP, (Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Theo Điều 46 của Nghị định này, trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB mà không mua thì sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 triệu – 100 triệu đồng đối với tổ chức. Với trường hợp, DN BH không bán BHCNBB thì căn cứ Nghị định 98/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số). Theo Điều 19 của Nghị định này, DN BH bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng khi từ chối bán BHCNBB cho cá nhân, tổ chức (trừ trường hợp DN BH được từ chối bán BHCNBB theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 23/2018/NĐ-CP).
Không bình luận về chế tài xử phạt VPHC đốc với các trường hợp không thực huện BHCNBB, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: “Việc tham gia BHCNBB sẽ góp phần khắc phục thiệt hại về tài chính, nhanh chóng khôi phục điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho DN và người dân…”.
Những trường hợp DN BH có quyền từ chối bán BHCNBB
Theo Khoản 3. Điều 3, Nghị định 23/2018/NĐ-CP , DN BH có quyền từ chối bán BHCNBB trong các trường hợp sau:
a) Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật.
b) Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua BHCNBB
c) Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.