Triển khai “Xe sạch – trời xanh”
Sau quãng thời gian dài chuẩn bị, Hà Nội chính thức tổ chức chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe máy cũ. Cụ thể, theo Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 22/7/2021 của UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan đã xây dựng Chương trình “Xe sạch - trời xanh” và đã chính thức bắt đầu triển khai trên địa bàn thành phố từ ngày 12/11/2021.
Xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường và là phương tiện mưu sinh của nhiều người. |
Bên cạnh đó, chương trình “Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô” do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp thực hiện gồm 4 hoạt động: Đo kiểm khí thải; Thí điểm tiếp nhận xe mô tô, xe gắn máy cũ mà người dân thải bỏ; Hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới; Khảo sát ý kiến người dân về tác động của chính sách kiểm soát khí thải xe máy.
Hà Nội đồng loạt mở 8 điểm trên 6 quận nội thành để thí điểm đo kiểm khí thải cho xe máy trong 1 tháng. Chương trình này cũng hỗ trợ cho người dân đổi xe cũ mua xe mới với mức hỗ trợ tối đa tới 4 triệu đồng. Khoản hỗ trợ tùy theo chính sách khuyến mại của từng hãng xe và giảm giá trực tiếp trên giá xe mới.
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đối với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002 thuộc 5 hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, người dân có nhu cầu chuyển đổi sang xe mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn. Theo đó, có bốn điều kiện để được hỗ trợ đổi. Thứ nhất là xe phải có đăng ký tại Hà Nội. Thứ hai, xe còn đầy đủ các bộ phận: Khung xe, động cơ, tay nắm, bình nhiên liệu, bánh xe, ống xả, giảm xóc. Thứ ba, xe đã hoàn tất các thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe với cơ quan đăng ký. Thứ tư, người dân phải tự nguyện bàn giao xe máy cũ và bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển sang xe mới thuộc 5 hãng xe nói trên.
Đối với xe máy từ 5 năm trở lên (đăng ký trước năm 2017), người dân được tặng dầu nhớt. Trường hợp xe không đạt chuẩn khí thải sẽ được hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng tối đa không quá 200.000 đồng/xe để sửa chữa các bộ phận liên quan đến khí thải.
Khi có nhu cầu, khách hàng có thể đến một trong 24 điểm tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ được bố trí tại 11 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Khi tới đây, khách hàng sẽ được nhân viên hãng thông báo và tư vấn về chương trình kiểm tra khí thải miễn phí. Nếu đồng ý, khách hàng sẽ khai thông tin theo mẫu có sẵn, sau đó nhân viên hãng nhập dữ liệu vào máy tính. Xe máy được đặt ở vị trí đo, lắp ống xả phụ trước khi đưa đầu cảm biến vào. Chưa đầy một phút, việc đo hoàn tất với 3 thông số hiển thị trên màn hình máy tính là CO, HC và CO2.
Theo anh Nguyễn Minh Phong, Kỹ thuật trưởng Head Honda, quận Hà Đông cho biết, để thực hiện chương trình, cửa hàng đã bố trí 8 nhân viên thường xuyên chăm sóc, tư vấn cho khách hàng việc đo kiểm khí thải hay đổi xe cũ lấy xe mới. Lượng khách trong những ngày đầu đến đăng ký tại cửa hàng khá đông. Để thích ứng với công tác phòng dịch Covid-19, người dân có nhu cầu đo kiểm, hoán đổi xe sẽ đăng ký tại phường nơi thường trú. Danh sách người đăng ký sẽ được gửi tới các điểm đo kiểm trong danh sách, phân bổ thời gian để tránh tình trạng ùn ứ một lúc đông người, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch.
Sau khi kết thúc chương trình, các sở, ngành, đơn vị sẽ đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải xe máy, đặc biệt là xe máy cũ, đến chất lượng không khí; đồng thời, là cơ sở khoa học để hỗ trợ xây dựng và thực thi các chính sách về giao thông bền vững và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố…
Cần sự chung tay
Trước đó, ngày 18/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó, Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ ô nhiễm không khí cao thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương. Các địa phương phải thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; phát triển giao thông phi cơ giới.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các chính quyền địa phương, số lượng lớn xe máy đã sử dụng lâu năm đang tham gia giao thông vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn. Đơn cử, UBND TP Hà Nội thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 5,7 triệu xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Trong đó, có khoảng 1/2 số lượng xe máy đã đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông.
Đáng nói, câu chuyện về việc thu hồi mô tô, xe gắn máy cũ nát đã được Bộ Giao thông Vận tải đề cập, bàn thảo từ một thập kỷ nay. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) nhận định, để giảm tải ô nhiễm môi trường, Việt Nam nên kiểm soát xe cũ nát, lạc hậu thông qua kiểm kê khí thải, có nghĩa là đo lượng khí thải ra của xe. Theo đó, nếu lượng khí thải ra của xe dưới mốc nhất định sẽ được lưu hành, còn trên mốc thì không cho phép.
Để làm tốt việc này cũng cần sự chung tay của các nhà sản xuất, cụ thể, họ cũng nên có phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ, đổi xe mới để xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ. Về phía người dân, cần kêu gọi nâng cao ý thức bảo hành, bảo dưỡng xe, bởi dù xe có tốt, có mới nhưng không được bảo dưỡng đúng cách cũng sẽ nhanh chóng giảm chất lượng, không thể đáp ứng đủ chỉ tiêu về mặt chất lượng.