Việc thưởng thức món ăn theo xu hướng, vừa ăn vừa lắng nghe phản ứng cơ thể của mình trước độ cay của món mì là điều cần quan tâm bởi có khá nhiều người sau khi ăn cay, cơ thể bị nóng rát, khó chịu, nổi mẩn, mọc mụn, đường ruột bị nóng rát,...Theo chia sẻ của bà Trần Lan Hương, Chuyên gia tư vấn huấn luyện dinh dưỡng và sức khỏe cho biết, một tô mì cay bao gồm có mì, nước lèo và các thành phần đi kèm... nhưng tô mì cay có sự khác biệt đó là gia vị cay. Loại ớt có trong tô mì cay là ớt Naga tạo vị cay kinh khủng và thuộc loại ớt cay nhất thế giới.
Nói về các giá trị dinh dưỡng và tác động như thế nào đến sức khỏe con người thì bà Trần Lan Hương cho rằng, việc đó còn phụ thuộc vào ớt tươi hay ớt bột, và tùy thuộc vào cả cơ địa của mỗi người phản ứng trước loại gia vị cay nóng này.
Nếu ớt tươi sẽ giúp con người tiết dịch vị, ăn ngon miệng hơn, tăng cường chuyển hóa giúp lưu thông máu cho cơ thể, thậm chí giảm cân. Trong ớt có chứa thành phần vitamine A hỗ trợ tốt cho sức khỏe con người,... Tuy nhiên, kể cả ớt tươi nếu ăn quá cay sẽ làm tê liệt các gai vị giác trên lưỡi thì thực sự không còn thấy vị ngon ở món ăn nữa.
Cay quá vượt ngưỡng cơ thể con người cho phép thì nó có thể gây ra tác dụng bỏng đường tiêu hóa, gây bỏng rát từ môi đến lưỡi, đến miệng, thực quản, dạ dày... chất tạo độ cay của ớt không được phân hủy trong dạ dày sẽ gây nên bỏng đường ruột. Nếu người loét bao tử, u loét ruột hoặc những người bị bệnh trĩ thì cảm giác đó sẽ rất kinh khủng.
Điều đáng lưu ý nữa là trong bất kỳ tô mì nào người ta sử dụng loại mì làm từ bột mì trắng mà đa số mì ăn liền hiện nay làm từ bột mì trắng. Đó không phải là loại bột mì tốt nhất cho cơ thể, nếu ăn nhiều, ăn thường xuyên gây nguy cơ tăng đường huyết, dẫn đến nguy cơ tiểu đường sau này.
Thời gian gần đây, giới trẻ gần như phát sốt với phong trào ăn mì cay nhiều cấp độ (xếp từ 1-7). Nhiều người tìm ăn món này vì tò mò, có người ăn vì thích ẩm thực xứ sở Kim Chi, nên các quán mì cay đang hút khách, đặc biệt là buổi tối.
Có nhiều bạn trẻ không quen ăn cay nên chỉ dừng lại ở cấp độ 1 hoặc 2. Cũng có nhiều người thách thức nhau ăn thử ở các cấp độ cay hơn như trường hợp của anh V. ở Rạch Giá, Kiên Giang là một ví dụ điển hình của ăn mỳ cấp độ 7. Trong lúc ăn, mồ hôi anh V. đầm đìa, mặt đỏ au, nước mắt, nước mũi không ngừng chảy. Sau vài phút cố gắng ăn lấy ăn để, thanh niên này cũng đã chinh phục thử thách và nhận phần thưởng 500.000 đồng. Tuy nhiên sau đó, “thánh mỳ cay” bị nôn ói, toàn thân nóng bừng khó chịu. Nghiêm trọng hơn, dạ dày anh đau thắt từng cơn, bạn bè đã tính tới chuyện đưa anh nhập viện.
Ở Hàn Quốc là xứ lạnh, họ ăn được mì cay để làm ấm cơ thể. Nhưng thời tiết ở Việt Nam khá nóng nếu ăn mì quá cay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, mọc mụn. Vì thế bản thân mình kể cả bạn bè có thách đố mình cũng không dám thử ở những cấp độ cao".
Vì vậy, với món ăn này, việc vừa ăn vừa lắng nghe cơ thể mình là điều nên làm. Ở Hàn Quốc, người ta ăn mì cay để giúp giữ ấm cơ thể, tuy nhiên với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, không phải ai cũng có thể ăn được cay thì việc ăn quá cay so với ngưỡng cơ thể chịu đựng được sẽ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Và vì thế, trong trường hợp ăn quá cay khiến cơ thể khó chịu, mọi người có thể ăn một ít bánh mì, cơm hoặc sữa nguyên chất. Sữa nguyên chất còn nguyên chất béo, bởi chất béo làm giảm cảm giác đau rát trong cơ thể.