Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, trong hơn 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao.
Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là tín dụng dành cho những khu vực dễ bị tổn thương, có nguy cơ là nạn nhân của “tín dụng đen” vẫn được duy trì với tốc độ tăng trưởng khá.
"Ngành Ngân hàng đã quyết liệt vào cuộc, mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Báo cáo của NHNN cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 10/2021 đạt trên 243 nghìn tỷ đồng.
Nhận diện nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai dịch bệnh hoặc gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.
Khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác;...
"Công tác truyền thông cần tiếp tục được tăng cường với sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, các bộ ngành để đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về các cơ chế, chính sách, các chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm về các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động “tín dụng đen", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"