Bài học “6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản”
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế TW tổ chức mới đây, GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm tăng năng suất của Nhật Bản, quốc gia được coi là có kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới về tăng năng suất chỉ trong vòng 20 năm.
Câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản” được GS. Trần Văn Thọ dẫn ra như một bài học mà Việt Nam cần hướng tới. Theo đó, Nhật Bản đã có gần 20 năm tương đương 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%. Và “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, thịnh vượng, có thu nhập cao.
Điều đặc biệt, theo GS. Thọ, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, vị thế của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam hiện tại, từ cơ cấu kinh tế, dân số, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động. Thời điểm đó, nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn số lao động, năng suất lao động thấp.
Là một nước đi sau phương Tây, cách mà Nhật Bản tăng năng suất lao động để tạo bước phát triển thần kỳ chính là quốc gia này đã tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, rút ngắn khoảng cách, từng bước công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, rồi sau đó xuất khẩu lại công nghệ ra thế giới.
Nhật Bản cũng tái cơ cấu nguồn lực, trong đó tập trung nguồn lực với những ngành nghề tạo ra năng suất cao, giá trị cao thay vì những ngành có giá trị thấp như nông nghiệp, đồng thời tăng quy mô sản xuất của nhiều ngành nghề, tạo ra giá trị cao, năng suất cao cho hàng hóa. Về nguồn lực, các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ được tiến hành. Năng suất của từng người dân, ngành nghề từng bước được nâng cao.
Năng suất Việt Nam đang ở đâu?
Tổng cục Thống kê trong một báo cáo công bố hồi tháng 12/2017 cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Cụ thể, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Cụ thể, Tổng cục Thống kê dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.
“Năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nước trên thế giới. Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu tăng trưởng dựa vào số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không phải chất lượng (năng suất). Thời gian tới, động lực chủ yếu cho tăng trưởng phải là tăng năng suất lao động…”, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh.
Quan sát kinh tế Việt Nam nhiều năm, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) cho rằng tăng năng suất của Việt Nam gần như không chuyển biến nhiều trong 10 năm qua. “Việt Nam đã hội nhập mà chưa bao giờ có một báo cáo hay chỉ số về năng suất. Điều này là kỳ lạ”, GS. Kenichi Ohno ngạc nhiên.
Theo phân tích của GS Kenichi Ohno, chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á. “Chất lượng chính sách của Việt Nam cần phải được cải thiện về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung …”- GS Thọ đưa ra lời khuyên.
Theo GS Kenichi Ohno, Việt Nam cần có tầm nhìn cụ thể, chứ không thể mơ hồ trong mục tiêu hướng tới. Đặc biệt, ông nhấn mạnh Chính phủ cần hành động ngay để tạo đột phá trong tăng năng suất, mà ngay trong năm 2018 Việt Nam cần xây dựng một báo cáo về năng suất lao động, tiếp đến là bắt đầu chiến dịch tư duy, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các địa phương để tạo lập các mô hình chính sách cấp tỉnh…
Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế TW:
“Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa để tăng năng suất…”
Việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng DN, từng nội ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực.
Nhìn tổng thể cải thiện năng suất, không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất, đó chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.Vì vậy, bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa nhanh chóng, tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam đang ngày càng sâu rộng.