Vốn ưu đãi của Chính phủ góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo. (Ảnh minh họa) |
“Làm nông lúc này khác trước lắm rồi”
Chia sẻ với phóng viên trong một chuyến khảo sát cuối năm 2018 về tác động của vốn chính sách đối với người dân vùng cao tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Văn Sỹ (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cho hay, đồng vốn ưu đãi giúp chúng tôi bước dần khỏi đói nghèo, đồng thời cũng kiến nghị Nhà nước “cho chúng tôi vay nhiều hơn, lâu hơn, vì làm nông lúc này khác trước lắm rồi”.
Mong mỏi của ông Sỹ cũng là tâm tư của hàng triệu người nghèo đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo với sự đồng hành của đồng vốn chính sách. Trong thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần tăng hạn mức vay chương trình cho vay hộ nghèo, nhưng trong bối cảnh “làm nông lúc này khác trước lắm rồi” thì mức vay tối đa 50 triệu dường như “chưa bõ bèn gì” với nhu cầu của nhiều gia đình.
“Ở Sông Trà, cây keo giúp bà con thoát nghèo, nhưng cây cao su sẽ giữ bà con thoát nghèo bền vững hơn. Mà loại cây trồng này đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, thời gian đầu tư dài hơn. Chúng tôi mong các cấp hữu quan xem xét tăng hạn mức cho vay và kéo dài thời gian vay để đồng vốn thực sự phát huy hết hiệu quả của nó” – ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Trà, đề nghị.
Trong nhiều tọa đàm, hội thảo chuyên đề về tín dụng chính sách, các nhà khoa học, nhà quản lý… cũng không ít lần đề xuất tăng hạn mức vay, nâng thời gian vay đối với các chương trình giúp bà con thực sự xóa đói giảm nghèo, thay đổi cuộc sống gia đình họ góp phần thay đổi bộ mặt làng xã. “Lúc này bối cảnh xã hội đã thay đổi rồi, Cách mạng công nghiệp 4.0 rồi, phải xác định xây dựng chính sách ở dạng động để thích ứng với tình hình thực tế. Do đó, lãi xuất, diện vay, mức vay phải linh hoạt theo sự phát triển của kinh tế, xã hội” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi nhận định.
Cơ hội bứt phá của các gia đình nghèo
Dự buổi giao ban đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi của hệ thống NHCSXH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, Việt Nam được các tổ chức của Liên Hợp quốc đánh giá cao về việc thực hiện an sinh xã hội, trong đó NHCSXH là kênh quan trọng thực hiện nhiệm vụ này.
“Các đồng chí đã làm tốt nhiệm vụ này trong thời gian qua. Điều này đã được thể hiện qua số người vay vốn đúng đối tượng và giúp cho hàng vạn người có việc làm, hàng triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo được vay vốn, nợ quá hạn ở mức rất thấp… NHCSXH trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách” - Thủ tướng nói – “Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương giảm nghèo bền vững. Với nhiệm vụ quan trọng này, vai trò, trách nhiệm của NHCSXH ngày càng lớn, cần tiếp tục củng cố, phát triển mạnh mẽ hơn”.
Với việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, kể từ ngày 01/3/2019, NHCSXH nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
Đây thực sự sẽ là cơ hội để nhiều hộ nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh, không còn ám ảnh bởi chuyện thiếu hụt vốn, đặc biệt việc tăng hạn mức được thực hiện đồng thời với việc nâng thời hạn cho vay tối đa sẽ tạo điều kiện cho các hộ manh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Việc tăng mức vay vốn ưu đãi tối đa tới 100 triệu đồng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của hộ nghèo cũng sẽ góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH đạt trên 187 nghìn tỷ đồng. Sau 16 năm hoạt động, NHCSXH đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Hiện nay, riêng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 38 nghìn tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng dư nợ) với 1,28 triệu hộ nghèo đang còn dư nợ.