Xác định việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá là một trong những nội dung quan trọng. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo và thông tin đối ngoại kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn biên giới biển của tỉnh.
Theo Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Cà Mau, địa phương đã chỉ đạo cơ quan Thường trực phối hợp với các các sở, ngành tập trung nghiên cứu, biên soạn tài liệu, in ấn cấp phát trên 3.500 đầu sách, 5.500 đĩa hình tuyên truyền về pháp luật và chủ quyền biển, đảo; 15.000 tờ rơi, tờ gấp; tổ chức biên soạn 38 tài liệu tuyên truyền pháp luật… Xây dựng, củng cố kiện toàn 21 Tổ tàu thuyền an toàn với 173 tàu cá/748 thuyền viên; 875 Tổ Tự quản an ninh trật tự với trên 3.000 thành viên.
Là cơ quan thường trực, thời gian qua BÐBP tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Chỉ đạo Đề án các huyện ven biển và các cơ quan liên quan tập trung củng cố, xây dựng các Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các huyện và các Câu lạc bộ tư vấn pháp luật trên địa bàn các xã, thị trấn ven biển. Với nhiều cố gắng, nỗ lực qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, tỉ lệ lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá đã tăng đáng kể. Từ đó góp phần kiểm soát hoạt động đánh bắt, nhất là ngăn chặn hành vi vi phạm lãnh hải nước ngoài của ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân |
Đại tá Nguyễn Quang Hà - Phó Chính uỷ BÐBP tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay các xã, thị trấn ven biển đã thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật và được đặt tại trung tâm xã, thị trấn. Các Trung tâm, các câu lạc bộ hoạt động nề nếp, hiệu quả và hỗ trợ tích cực trong giải quyết những vấn đề vướng mắc về pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, qua đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cán bộ, Nhân dân trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, xây dựng địa bàn các xã, thị trấn ven biển vững mạnh.
Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối kiểm tra thân nhiệt, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19 |
Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Quang Hà, vùng biển Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Vì vậy, ranh giới trên biển khó xác định, đòi hỏi sự thận trọng cần thiết khi vươn khơi xa, nhất là những con tàu có công suất lớn của ngư dân. Việc lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá không chỉ giúp công tác quản lý nghề cá được thuận lợi, tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản do ngư dân khai thác trên biển mà còn góp phần quan trọng ngăn chặn nạn khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, khi lắp đặt thiết bị GSHT sẽ xác định được vị trí tàu qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet. Đồng thời kiểm soát được vận tốc của tàu theo từng thời điểm; hoạt động đóng, mở cửa tàu; tắt, mở động cơ; cảnh báo SOS khi tàu gặp sự cố; có báo cáo chi tiết theo địa giới tùy chỉnh, đoạn đường cần giám sát, tọa độ điểm cần lưu lại lộ trình di chuyển của tàu... Và đặc biệt, việc lắp đặt thiết bị GSHT đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được coi là một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng xóa “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
“Những năm trước đây, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân thường xuyên diễn ra. Dù vô tình hay cố ý, hành vi vi phạm đều dẫn đến hậu quả chung là bị tịch thu tàu cá, các thuyền viên muốn về nhà phải nộp phạt mỗi người hàng trăm triệu đồng. Hệ luỵ kéo theo bao gia đình rơi vào khánh kiệt, tan hoang. Uỷ ban châu Âu (EC) đã rút thẻ vàng cảnh cáo đối với hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản của Việt Nam do chưa tuân thủ các quy định IUU. Muốn gỡ thẻ vàng buộc Việt Nam phải kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động đánh bắt thuỷ sản, nếu không sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU”, Ðại tá Nguyễn Quang Hà phân tích.
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kinh Hội phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm Luật biên giới Quốc gia |
Để ngư dân đồng thuận lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện các hoạt động truyền thông thiết thực, hiệu quả. Riêng BÐBP tỉnh Cà Mau đã triển khai lắp đặt cho thành viên các đội tàu thuyền an toàn trong tỉnh. Ngư dân thấy được lợi ích mang lại khi gắn thiết bị GSHT tàu cá đã nhanh chóng nhân rộng lắp đặt. Điển hình, Đồn Biên phòng Sông Đốc, đóng quân tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và Đồn Biên phòng Khánh Hội, đóng quân tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, hai địa phương này có gần 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã nghiêm túc triển khai và đạt hiệu quả cao.
Được biết, tính đến đầu tháng 11/2021, trên địa bàn Cà Mau số lượng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị GSHT đạt 99,27%. Hiện Cà Mau còn 11 tàu cá chờ bán, đang làm thủ tục sang nhượng hoặc làm ăn thua lỗ, tàu hư hỏng nên chưa lắp đặt thiết bị GSHT.