Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy một phần bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM, và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, với hình phạt của 10 bị cáo (trong tổng số 74 bị cáo) vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu do Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn cầm đầu.
Những người này là Trần Huy Lập, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thanh Bình, Lê Hùng Phong, Lê Thanh Tú, Lê Thị Anh Thư, Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Thị Như Mỹ, Nguyễn Thăng Long, Phạm Thị Hương.
Nội dung vụ án thể hiện, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean, Western Sea vận chuyển 48 chuyến xăng lậu (tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng) về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ đồng.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM tuyên Hữu 13 năm tù, Viễn 15 năm tù (giảm 1 - 4 năm so với án sơ thẩm) về tội Buôn lậu. Với kháng cáo của hầu hết bị cáo còn lại, tòa chuyển từ hình phạt tù sang phạt tiền, giảm án bằng thời gian tạm giam, hoặc đến 9 năm tù. Lý do là họ đều đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính, nhân thân tốt, có vợ hoặc chồng cùng bị giam trong vụ án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo...
Không đồng ý với bản án này, Viện trưởng VKSND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm.
Theo Hội đồng giám đốc thẩm, 10 bị cáo này đều là chủ DN mua xăng dầu trong đường dây buôn lậu, có hành vi đồng phạm giúp sức, nên hai cấp tòa kết án về tội Buôn lậu là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo Lập, Cúc, Phong, Mỹ, Bình, Long phạm tội theo khoản 4 Điều 188 BLHS (khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), nhưng tòa sơ thẩm "xử phạt tiền là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật".
Mặt khác, các bị cáo đều là chủ DN, có vai trò chính trong việc thỏa thuận mua bán xăng nhập lậu, nhưng tòa sơ thẩm lại áp dụng "hình phạt tiền là hình phạt chính", trong khi đó những người giúp sức cho các bị cáo này (tức vai trò nhẹ hơn) thì lại bị áp dụng hình phạt tù. Như vậy, bản án sơ thẩm chưa bảo đảm nguyên tắc phân hóa, phân loại khi xử lý tội phạm có đồng phạm và không công bằng đối với các bị cáo khác thuộc nhóm giúp sức trong cùng vụ án.
Từ đó, Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần bản án ngày 17/4/2023 của TAND cấp cao tại TP HCM về phần "đình chỉ xét xử phúc thẩm" 6 bị cáo trên, để xét xử sơ thẩm lại theo hướng không áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.
Với 4 bị cáo còn lại, Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng, TAND tỉnh Đồng Nai xử phạt Thư 4 năm tù, Tú 5 năm tù, Tân 6 năm tù và Hương 3 năm tù "đã là nhẹ và dưới mức thấp nhất của khung hình phạt". Nhưng tòa phúc thẩm lại chuyển từ hình phạt tù sang hình phạt tiền (đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) "là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật".
Các bị cáo đều là chủ DN, biết nguồn gốc xăng là nhập lậu nhưng vẫn bàn bạc, hứa hẹn việc mua bán; phạm tội trong một thời gian dài, có tổ chức; thu lợi bất chính lớn nên việc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền là quá nhẹ, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
"Mặt khác, TAND cấp cao tại TP HCM vừa áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với 4 bị cáo, vừa nhận định sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm dẫn đến việc áp dụng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều là phạt tiền là không đúng quy định", quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm nêu.