Tân Tổng thống Zimbabwe là ai?

Tân Tổng thống Zimbabwe
Tân Tổng thống Zimbabwe
(PLO) - Như Báo PLVN đã đưa tin, ngày 24/11, Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã chính thức nhậm chức Tổng thống Zimbabwe. Sự kiện này đánh dấu chương cuối cùng trong tiến trình chuyển giao chính trị không dẫn tới bạo lực và đổ máu tại quốc gia châu Phi này. Vậy, tân Tổng thống Zimbabwe là người có hành trang chính trị như thế nào trước khi thay thế cựu Tổng thống Robert Mugabe?

Ông Mnangagwa sẽ đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Robert Mugabe cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 9/2018.

Cam kết phục vụ nhân dân

Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Mnangagwa khẳng định Zimbabwe đang bước vào giai đoạn mới của nền dân chủ. Ông cam kết sẽ phục vụ nhân dân, đồng thời đề nghị người dân đoàn kết nhằm đảm bảo thịnh vượng cũng như thúc đẩy kinh tế để tạo việc làm. Theo ông Mnangagwa, người dân Zimbabwe cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm tái thiết nền kinh tế, đồng thời cho biết đã bắt đầu nhận được cam kết hỗ trợ từ một số nước trên thế giới. Ông Mnangagwa cũng đã đảm bảo với cựu Tổng thống Mugabe về sự an toàn của ông cùng gia đình tại Zimbabwe.

Cùng ngày, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), một tổ chức liên chính phủ, khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với tổng thống và chính quyền mới của Zimbabwe. 

Cuộc đời cách mạng từ thời niên thiếu

Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa sinh năm 1942. Vào thập niên 1960, ông tham gia chiến đấu chống chế độ thống trị của người da trắng thiểu số ở Zimbabwe (trước đây gọi là Rhodesia). 

Năm 1963, ông Mnangagwa được huấn luyện quân sự ở Ai Cập và Trung Quốc. Ông là một trong các chiến binh du kích đầu tiên chống lại chế độ cai trị của Rhodesia. Ông đã bị bắt, tra tấn và kết tội cho nổ một đầu tàu xe lửa vào năm 1965 và bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó Mnangagwa dưới 21 tuổi nên bản án của ông được ân giảm xuống còn 10 năm tù giam. Mnangagwa bị bắt giam cùng với các nhân vật dân tộc chủ nghĩa khác, trong đó có Mugabe.

Trong khi bị giam giữ, Mnangagwa đã tranh thủ học từ xa. Mãn hạn tù, Mnangagwa chuyển sang Mozambique lúc đó mới độc lập và do đảng Mácxít lãnh đạo. Tại đây ông trở thành trợ lý và vệ sĩ của ông Mugabe. Năm 1979, ông đã tháp tùng ông Mugabe sang thương thuyết tại London, Anh dẫn tới sự chấm dứt chế độ Rhodesia và khai sinh nhà nước Zimbabwe mới.

Sau khi Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980, ông Mugabe trở thành Tổng thống và ông Mnangagwa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh. Ông Mnangagwa đã chỉ đạo việc sáp nhập quân đội Rhodesia với lực lượng du kích của Tổng thống Mugabe và các lực lượng của thủ lĩnh phe quốc gia Joshua Nkomo. Kể từ đó, ông duy trì quan hệ gần gũi với các lực lượng quân đội và an ninh.

Trong nhiều thập kỷ, ông Mnangagwa đóng vai trò là người thực thi các chỉ đạo và ủng hộ quan điểm chủ nghĩa dân tộc cũng như chính sách kinh tế gây tranh cãi của Tổng thống Mugabe. Trong vai trò đó, Mnangagwa nổi tiếng là cứng rắn và hiệu quả trong việc sử dụng quyền lực khi xây dựng được một nền tảng trung thành chiến lược trong quân đội và cơ quan an ninh. Ông Mnangagwa có nhiều kỹ năng học được từ chính “người thầy” lâu năm của mình là Tổng thống Mugabe. Chính vì sự kiên cường chính trị, ông Mnangagwa đã nổi danh với biệt hiệu “Cá sấu”. 

Quan hệ giữa ông Mnangagwa và Tổng thống Mugabe bắt đầu bị rạn nứt vào năm 2008 khi xảy ra cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa ông Mnangagwa và phu nhân Tổng thống Grace Mugabe. Dẫu vậy, Mnangagwa vẫn trở thành Phó Tổng thống Zimbabwe vào năm 2014. Không những thế, trong những năm gần đây, Phó Tổng thống Mnangagwa còn gây dựng cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo kinh nghiệm và có năng lực đem lại cho Zimbabwe sự ổn định. 

Ngày 6/11 vừa qua, ông Mnangagwa đã bị Tổng thống Mugabe cách chức Phó Tổng thống Zimbabwe và buộc phải sống lưu vong ở Nam Phi. Quyết định này của ông Mugabe vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi này. Đêm 14/11, quân đội đưa xe tăng và xe bọc thép tiến vào thủ đô Harare để giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông, đồng thời quản thúc Tổng thống Mugabe và vợ là bà Grace Mugabe tại khu “Nhà Xanh” ở thủ đô Harare. Dù khẳng định đây không phải là cuộc đảo chính, nhưng phía quân đội Zimbabwe đã gây sức ép mạnh mẽ đòi ông Mugabe từ chức. Ngày 18/11, hàng nghìn người dân Zimbabwe cũng đã tuần hành phản đối và yêu cầu Tổng thống Mugabe từ chức.

Ngày 21/11, trước áp lực của giới chính trị và người dân, Tổng thống Mugabe đã đệ đơn từ chức tới Quốc hội. Quốc hội Zimbabwe sau đó đã dừng phiên họp nhằm xem xét kiến nghị luận tội vị lãnh đạo 93 tuổi này. 

Sau khi Tổng thống Mugabe từ chức, đảng ZANU-PF cầm quyền đã lựa chọn cựu Phó Tổng thống Mnangagwa thay thế ông Mugabe làm Chủ tịch đảng này. Ban thẩm tra tư cách nghị sĩ của đảng ZANU-PF cũng cho biết Phó Tổng thống Mnangagwa sẽ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe vào ngày 24/11.

Ngày 22/11, Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa đã trở về Zimbabwe từ Nam Phi và gặp các quan chức cấp cao của chính phủ và đảng cầm quyền. Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa cũng lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi trở về nước. 

Nhiệm vụ sắp tới của Tổng thống Mnangagwa sẽ là lãnh đạo chính phủ đoàn kết lâm thời với trọng tâm tái thiết các mối quan hệ với thế giới bên ngoài và ổn định nền kinh tế vốn đã suy thoái nghiêm trọng của Zimbabwe. Liệu ông Mnangagwa có giải quyết được mọi vấn đề khó khăn của Zimbabwe hiện nay hay không? Thời gian sẽ có câu trả lời.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.