8 phút kinh hoàng
Theo New York Times, vụ việc xảy ra vào khoảng 22h00 ngày 3/6 (giờ địa phương). Phóng viên Holly Jones của hãng tin BBC có mặt tại hiện trường cho biết một chiếc xe tải màu trắng với tốc độ hơn 80km/h đã lao vào phần đường dành cho người đi bộ ở dọc Cầu London. Một nhân chứng tên Andrew kể lại rằng, chỉ 10 giây sau khi đâm vào những người đi bộ, ít nhất một người đàn ông nhảy ra khỏi chiếc xe tải, vung một con dao lớn lên rồi chạy tới khu Chợ Borough là nơi tập trung nhiều quán bar và nhà hàng ở phía nam sông Thames và tấn công những người có mặt.
Một người khác tên Gerard cho hay anh đã nhìn thấy những người đàn ông chém tất cả những người chúng có thể và hét lớn “đây là vì Thánh Allah”. Vẫn theo lời Gerard, anh đã nhìn thấy 3 người đàn ông cầm dao chém 1 bé gái, có thể là 10 hoặc 15 lần.
Cảnh sát có vũ trang của Anh ngay sau đó đã được điều động tới hiện trường. Theo cảnh sát London, chỉ 8 phút sau khi nhận được cuộc gọi khẩn đầu tiên, họ đã tiêu diệt 3 kẻ tấn công. Những đối tượng này mặc áo giống như áo chống đạn nhưng về sau được phát hiện là giả. Ngoài 7 người được xác nhận đã thiệt mạng, cơ quan cấp cứu London cho biết họ đã đưa 48 người bị thương tới bệnh viện để điều trị. Cùng lúc, cảnh sát Anh nhận được tin báo về một vụ tấn công thứ 3 xảy ra ở khu vực Vauxhall. Ban đầu có những đồn đoán cho rằng đây là một phần của một vụ tấn công có sự phối hợp nhưng cảnh sát sau đó tuyên bố vụ việc không liên quan đến các vụ trên.
Các vụ tấn công nói trên đã khiến nhiều người dân Anh bị sốc và tức giận. Người dân ở trung tâm thành phố đã trải qua một đêm mất ngủ khi tiếng còi hụ vang lên cả đêm. Người dân được yêu cầu chạy trốn, ẩn nấp và tắt tiếng điện thoại di động để cảnh sát truy tìm thủ phạm.
Thủ tướng Anh Theresa May sau đó xác nhận vụ việc đang được điều tra theo hướng hành động khủng bố. Bà May ngày 4/6 chủ trì cuộc họp với ủy ban ứng phó khẩn cấp của Chính phủ Anh để bàn về vụ việc và các bước đi tiếp theo. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo nhiều nước khác trên thế giới đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo và người dân Anh, đồng thời lên án vụ tấn công.
2 vụ tấn công trong 2 tuần
Vụ tấn công nói trên xảy ra trong lúc nước Anh vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ đánh bom ở sân vận động Manchester khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em, hôm 22/5 vừa qua. Nó cũng gợi nhớ vụ tấn công tương tự xảy ra hôm 22/3 vừa qua, khi tên Khalid Masood, 52 tuổi, lao một chiếc xe vào những người đi bộ ở cầu Westminster, London, khiến 4 người thiệt mạng và đâm chết một sỹ quan cảnh sát ở gần tòa nhà Quốc hội Anh trước khi bị cảnh sát nổ súng tiêu diệt.
Các vụ tấn công này xảy ra chỉ ít ngày trước khi Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa quan trọng với tương lai nước này sau khi rời EU. Chiến dịch vận động tranh cử đã phải hoãn lại trong ngày 4/6. Với các diễn biến trên, giới chức an ninh Anh nhiều khả năng sẽ phải đối phó với khả năng xảy ra thêm các vụ tấn công khác ở những nơi bình thường nhất.
Phát biểu ngày 4/6, Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết mức độ đe đọa chính thức vẫn ở mức nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc một vụ tấn công nhiều khả năng sẽ xảy ra. Trong những ngày tới, ông Khan cho biết cảnh sát sẽ được tăng cường hiện diện trên khắp thành phố. Tuy nhiên, ông trấn an người dân không nên hoảng loạn và đề cao tinh thần cảnh giác.
Thị trưởng London cũng cho rằng không nên hoãn cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 8/6 tới. “Một trong những việc mà chúng ta có thể làm để chứng minh rằng chúng ta sẽ không thu mình lại là tiếp tục tiến hành cuộc tổng tuyển cử”, Reuters dẫn lời ông Khan nói.
Tại sao Anh hay bị tấn công?
Tờ Guardian mới đây dẫn các nguồn tin tình báo Anh cho rằng nước này dễ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công vì những phần tử cực đoan đang ngày càng khó có thể sang Syria và bị các nhóm cực đoan khác nhau, bao gồm IS và Al Qaeda, xúi giục thực hiện các vụ tấn công ngay tại quê nhà. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn với sự trở về của một số phần tử người Anh từng tham gia lực lượng của IS ở Syria.
Trên thực tế, thời gian qua, ngoài các vụ khủng bố xảy ra cùng các âm mưu bị triệt phá, cảnh sát Anh gần như tuần nào cũng bắt giữ những người bị cáo buộc các tội nhẹ hơn, từ ủng hộ khủng bố tới tải các tài liệu liên quan khủng bố từ các trang web thánh chiến…
Thống kê cho thấy khoảng 1 nửa trong số hơn 850 công dân Anh đã ra nước ngoài chiến đấu cho IS và các nhóm thánh chiến khác ở Syria và Iraq đã về nước. Nhiều người trong số này đã bị đưa vào danh sách khoảng 3.000 đối tượng khả nghi bị cơ quan tình báo Anh theo dõi. Dù đã được tăng ngân sách hoạt động nhưng các cơ quan tình báo Anh vẫn than thở không đủ nguồn lực để giám sát hết các đối tượng này.
Chưa có thông tin người Việt bị thương vong
Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công nói trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại, Hội người Việt Nam tại Anh… và được biết cho tới nay, chưa có thông tin về người Việt bị thương vong trong các vụ tấn công.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục theo dõi sát vụ việc, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ khẩn cấp trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân của các vụ tấn công nói trên. Tổng đài Bảo hộ công dân +84981848484 và đường dây bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh +447713181501 cũng được mở 24/24h để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ kịp thời các yêu cầu khẩn cấp trong trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn.