Tỷ lệ người dân thờ ơ vẫn nhiều
Chủ quan và lười đi khám là căn bệnh cố hữu của người Việt. Nhiều người sẵn sàng dành cả ngày làm việc trước máy tính, thậm chí thức thâu đêm để hoàn thành công việc nhưng lại e ngại, phân vân dành thời gian chỉ một buổi để kiểm tra sức khỏe. Phần lớn, bệnh nhân ung thư thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị cũng như gây ra những cú sốc lớn về tinh thần, vật chất đối với người bệnh và gia đình.
Mới cưới chưa được bao lâu, chị N. T.T (Nghệ An) phát hiện mình mắc ung thư vú giai đoạn cuối. Đó là một nỗi đau, một cú sốc lớn của chị và gia đình. Chia sẻ về nỗi đau bệnh tật mà chị đang phải gánh chịu, chị T cho biết: “Trước khi phát hiện bệnh, tôi thấy một bên ngực to bất thường, nhưng vì chủ quan không đi khám ngay nên mới để bệnh nặng thế này, nếu đi khám sớm hơn chắc tôi không bị nặng như thế này”.
Trên thực tế, Bệnh viện K Trung ương đã ghi nhận không ít bệnh nhân bị ung thư cách đây hơn 20 năm và hiện vẫn sống khỏe mạnh nhờ được phát hiện bệnh từ sớm, tuân thủ phác đồ điều trị. Tuy nhiên, đáng buồn là tỷ lệ phát hiện ung thư sớm là rất ít, đơn cử như tỷ lệ phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm rất thấp, chỉ từ 5,3% đến 17,2%.
Theo ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới với khoảng 8.000 bệnh nhân được phát hiện mỗi năm. Dự kiến, đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên hơn 13.000 trường hợp. Đây cũng là bệnh ung thư đứng thứ hai trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới với khoảng hơn 6.000 ca mắc/năm. Dự kiến, đến năm 2020, số phụ nữ được phát hiện ung thư đại trực tràng vào khoảng 11.000. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm bằng phương pháp tầm soát ung thư định kỳ, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai tầm soát sớm ung thư đại trực tràng cho hơn 115 nghìn người dân trên 40 tuổi tại địa bàn xã, phường của các quận, huyện (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình, Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn và Thanh Trì). Chỉ trong thời gian triển khai rất ngắn, hơn 122.000 dân được xét nghiệm ung thư đại trực tràng miễn phí, trong đó, kết quả cho thấy gần 7.000 người có kết quả dương tính. Từ con số dương tính, các bệnh viện tìm thấy 80% có bệnh lý về đường tiêu hóa, 40% bắt đầu có polip hay khối u. Nhiều người, nhờ dự án đã kịp phẫu thuật xử lý polip, tầm soát ung thư, biết được cách chăm sóc sức khỏe tránh tình trạng bệnh tăng nặng. Vì thế, dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân về sự cần thiết trong việc tầm soát căn bệnh này còn nhiều hạn chế, nhiều người dân chưa hợp tác cũng như không nhận thấy tầm quan trọng của dự án này, với tỷ lệ tham gia vô cùng ít.
Theo bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Hai Bà Trưng, hiện nay nhận thức của người dân chưa ổn, họ vẫn cho rằng y tế đi vận động họ làm, miễn phí nên cũng không được họ coi trọng lắm.
“Cần có hệ thống tuyên truyền rộng rãi trên toàn thành phố để người dân hiểu. Tôi đề nghị Sở Y tế báo cáo thành phố vận động các cơ sở, cơ quan trên địa bàn tham gia, hưởng ứng vào việc sàng lọc này. Vì tại các cơ quan, số lượng cán bộ từ 40 tuổi trở lên rất nhiều, họ có bảo hiểm y tế. Việc lấy mẫu ở những đơn vị này rất thuận tiện, đây là lực lượng chúng ta cần quan tâm”, bà Trần Thị Vân Anh cho biết.
Phấn đấu mở rộng chương trình sàng lọc
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng một trong những yêu cầu quan trọng Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới (Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) đặt ra là phát triển bền vững, cân đối giữa điều trị với dự phòng, giữa y tế chuyên sâu và y tế công cộng, xác định mục tiêu, lộ trình để tiến tới bao phủ bảo hiểm, mọi người dân đều được theo dõi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay cả khi chưa có bệnh, và khi có bệnh thì được chữa trị sớm nhất. Đồng thời, cần mạnh dạn, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ y tế cơ sở, tiến tới tất cả thông tin về sức khỏe của từng người được lưu giữ an toàn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu chi một đồng cho y tế dự phòng thì sẽ tiết kiệm được mười đồng trong điều trị. Việc ngành Y tế Thủ đô tổ chức xét nghiệm tầm soát sớm ung thư đại trực tràng cho người dân và thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử là nhằm đạt được lợi ích trên. Khi có hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe, người mắc các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và điều trị ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, hạn chế biến chứng và các bệnh viện tuyến trên sẽ không bị quá tải.
Do đó, việc tầm soát sớm bệnh, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe sẽ giúp phát huy hiệu quả phòng chống bệnh từ tuyến y tế cơ sở, tạo điều kiện cho người dân chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong tháng 3 này, Sở Y tế Hà Nội đang tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố mở rộng Chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng ra nhiều quận huyện khác như: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai,...