Hậu quả khi không tẩy giun định kỳ
Ngày 28/9/2019, Trung Tâm y tế huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên V.M.V (11 tuổi), ở xã Văn Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang, nhập viện do đau bụng vùng hố chậu phải, kèm buồn nôn, nôn khan, với thể trạng còi cọc suy dinh dưỡng.
Sau khi được các bác sĩ khoa Ngoại TH trực tiếp thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng cho kết quả chụp Xquang thấy nhiều hình cản quang dạng ống khu trú hố chậu phải và vùng bụng dưới, siêu âm thấy hình ảnh giun ký sinh trong các quai ruột. Kết luận bệnh nhân bị tắc ruột do búi giun/viêm ruột thừa. Sau khoảng 2 giờ mổ cấp cứu, các bác sĩ lấy ra khỏi bụng bệnh nhi búi giun khoảng 100 con. Hiện tình trạng người bệnh đã ổn định, tỉnh táo, sức khỏe dần hồi phục, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi thêm.
Sau khi liên tục xuất hiện những vụ tắc ruột vì giun, rất nhiều người đã nhận ra rằng, mình cũng rất lâu quên vệ sinh đường ruột, khiến những kẻ khí sinh phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân.
“Thực sự qua sự việc của bé V mình thực sự giật mình và nhớ ra mình đã gần 3 năm mình quên không xổ giun. Trước thời còn là học sinh, năm nào nhà trường cũng tổ chức cho học sinh uống thuốc tẩy giun, nhưng giờ là sinh viên rồi bản thân mình quên béng đi công việc đấy. Mình không nghĩ rằng nó lại cần thiết và quan trọng đến thế. Qua sự việc này mình sẽ chủ động nhắc nhở gia đình, bạn bè tẩy giun định kỳ để tránh gặp phải việc đáng tiếc trên,..”, bạn Quang Mạnh, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ.
Chị H.T.L (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng biết việc tẩy giun là cần thiết đối với sức khoẻ của mỗi người. Tuy nhiên cũng mấy năm rồi tôi chưa tẩy giun, nên cũng sợ gặp phải trường hợp giờ mà uống thuốc, do giun quá nhiều thuốc sẽ không thể tự tiêu hết, rồi đi ra ngoài bằng các con đường khác trong tình trạng nguyên cả con. Nhưng giờ chắc tôi phải bỏ ngay suy nghĩ này và thực hiện nó một cách thường xuyên hơn,...”.
Các biện pháp phòng tránh các bệnh do giun
Giun là loại ký sinh trùng sống ăn bám ở đường ruột. Do tình trạng vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống kém nên rất nhiều người nhiễm các loại giun như: giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn,… Người lớn nhiễm giun thường là do ăn thực phẩm không được nấu chín - rau sống, thịt tái, tiết canh, ăn gỏi, thủy hải sản tươi sống, nước uống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián...
Việc nhiễm giun đường ruột gây ra rất nhiều tác hại nguy hiểm, khi số lượng giun đường ruột càng nhiều thì khả năng chiếm đoạt chất dinh dưỡng ở ruột non của người bệnh càng lớn. Nhiễm giun lâu ngày gây thiếu vitamin và dưỡng chất, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Theo Hướng dẫn tẩy giun của Bộ Y tế, trẻ 1 tuổi trở lên có thể uống thuốc tẩy giun. Đối với các vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun trên 20% sẽ tiến hành tẩy giun 02 lần/năm. Các vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun từ 10% đến dưới 20% sẽ tiến hành tẩy giun 01 lần/năm.
Các vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun dưới 10% sẽ tiến hành tẩy giun 01 lần/2 năm. Ngoài ra mỗi cá nhân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Các địa phương cần tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông phòng chống giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh giun sán cho cá nhân và cộng đồng.