Đoạn đường này dài 19,7km, điểm đầu tại xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, tiếp nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; điểm cuối tại nút giao Liêm Tuyền, thuộc xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Mặt đường sẽ được mở rộng lên 35,5m, tốc độ thiết kế 100-120 km/h.
Căn cứ đề xuất mở rộng của VEC là các địa phương đang chuẩn bị đầu tư xây dựng vành đai 4, dự kiến đưa vào khai thác từ 2027, đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần thiết được mở rộng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của phương tiện.
Câu chuyện một đoạn đường, như Cầu Giẽ - Ninh Bình là minh chứng cho thấy quy hoạch luôn đòi hỏi cơ quan lập quy hoạch, thẩm định, duyệt quy hoạch cần có tầm nhìn. Tầm nhìn, có lẽ không nên bó hẹp trong 5 năm hoặc 10 năm.
Cũng là quy hoạch, xin nhắc thêm, sáng qua (30/3), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch); đã yêu cầu “Hệ thống xăng dầu, khí đốt phải vận hành đồng bộ, thông suốt, đảm bảo cho nền kinh tế”, “Quy hoạch này đòi hỏi độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của thực tiễn và dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế”. Rõ ràng là cần thiết như vậy; bởi an ninh năng lượng của quốc gia không thể “ngắn hạn” để rồi lúng túng.
Ngày 9/01/2023, Quốc hội đã có Nghị quyết 81/2023/QH15 về “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”. Theo văn bản này, trong 5 nội dung lớn thể hiện quan điểm tổ chức không gian phát triển, có nội dung: “Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Nghị quyết 81 trên là văn bản mới nhất, hết sức quan trọng. Chúng ta từng thấy một số câu chuyện lãng phí ghê gớm trong quá khứ do quy hoạch, do xung đột lợi ích giữa các ngành kinh tế, phá vỡ tính thống nhất, liên kết, thiếu bền vững. Không chỉ trong quy hoạch kinh tế, mà ngay quy hoạch về hệ thống tổ chức (ngành, lãnh thổ), chúng ta từng đều nhận ra có một số vấn đề thiếu tầm nhìn. Ví dụ như việc từng lập ra nhiều tổng cục trực thuộc bộ, và sau đó chúng ta đã thay đổi.
Nhìn nhận như vậy mới thấy ý nghĩa quan trọng của tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch.