Quyết định của VKSND Tỉnh Phú Thọ đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội Đưa hối lộ được căn cứ vào chính sách khoan hồng của Nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương đã tự khai cho Phan Văn Vĩnh 01 đồng hồ Rolex trị giá 7000USD, 27 tỷ đồng; 1.750.000USD; 01 chiếc áo sơ mi, 01 lọ thuốc bổ gan; Cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) 22 tỷ đồng. Việc làm này của Dương là sự "trả ơn" vì được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, dù thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, nhưng ông Phan Văn Vĩnh phủ nhận việc Dương đã cho mình 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD.
Liên quan đến chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, ông Vĩnh cho rằng mình đã trả tiền mua đồng hồ cho Dương là 1,1 tỷ đồng, chứ không phải Dương cho ông.
Ông Vĩnh chỉ khai được Dương cho 01 chiếc áo sơ mi, 01 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục cảnh sát Dương có mặt.
Liên quan đến bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, tại cơ quan điều tra, ông Hóa cũng phủ nhận việc Dương cho mình 22 tỷ đồng, chỉ thừa nhận Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000 USD.
Do có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa Nguyễn Văn Dương với Phan Văn Vĩnh về việc cho, nhận tài sản, trong khi không thu được vật chứng nên Cơ quan An ninh tách hành vi này của Phan Văn Vĩnh ra, khi nào làm rõ được sẽ xử lý sau, còn ghi nhận lời tự thú của Nguyễn Văn Dương và xử lý ngay trong vụ án này.
Còn việc Dương khai cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD, đến nay, Cơ quan điều tra đã chứng minh việc này là có thật.
Với những lý do đó, bị cáo Nguyễn Văn Dương đã được hưởng chính sách khoan hồng, được VKS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự về tội danh đưa hối lộ.
Điều 29 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015), các căn cứ miễn TNHS được quy định như sau:
“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”