Nhiều cơ hội...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhiều năm nay xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống phân phối bán lẻ là hình thức xuất khẩu hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối nước ngoài tổ chức các Tuần hàng Việt Nam để giới thiệu các sản phẩm Việt Nam đến các chuỗi phân phối trên thế giới. Theo ông Thứ trưởng, rất nhiều DN Việt Nam muốn xuất khẩu thông qua kênh phân phối này. Tuy nhiên, nhiều DN sau khi tiếp cận đã phải tự rút lui do không đáp ứng được các điều kiện để phân phối trong các siêu thị, trung tâm mua sắm của các kênh phân phối lớn.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm; mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro, Pháp với Tập đoàn Bourton. Từ đó, các DN Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Tạ Hoàng Linh, thực tế cho thấy tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối trong các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày chiếm tỷ lệ thấp, cả về số DN và giá trị.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện nay rất nhiều tập đoàn, kênh phân phối lớn của thế giới đang hoạt động ở Việt Nam, điển hình như Metro, Segros (Đức); Lotte, Emart (Hàn Quốc); Aeon (Nhật Bản); Auchan, Carrefour (Pháp); Central Group (Thái Lan); Walmart, Target (Mỹ)…. Đây chính là những “cửa ngõ” rất tốt để hàng hóa Việt Nam thâm nhập, phân phối đi khắp thế giới.
“Rất nhiều cơ hội để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới thông qua các kênh phân phối trực tiếp. Các nhà phân phối cũng rất cần những hàng hóa có chất lượng để phục vụ khách hàng của họ. Điều quan trọng là hàng chúng ta có đáp ứng được các điều kiện khắt khe của họ hay không”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nói.
“Vật cản” chất lượng
Như để trả lời cho thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, đơn vị tổ chức nhiều sự kiện đưa hàng Việt vào các kênh phân phối nước ngoài cho biết, rất nhiều DN Việt Nam háo hức, muốn xuất khẩu hàng hóa thông qua kênh phân phối này. Tuy nhiên, sau khi tham gia, số lượng DN và sản phẩm có thể đi vào các kênh phân phối này khá khiêm tốn.
“Năm 2017 chúng tôi tổ chức đưa hàng qua Nhật Bản thông qua các kênh phân phối bán lẻ. Có hàng trăm DN với rất nhiều sản phẩm đăng ký nhưng sau khi sàng lọc, chỉ đưa được vài sản phẩm đủ điều kiện đi tiếp thị”, bà Mai Anh nói và cho biết năng lực nhiều DN Việt Nam chưa đủ mạnh, chất lượng sản phẩm chưa đạt để thâm nhập vào các kênh phân phối này.
Cũng theo bà Mai Anh, các DN Việt có nhu cầu tham gia vào các kênh phân phối này chủ yếu là DN quy mô vừa và nhỏ. Trong khi muốn đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt của họ thì đòi hỏi DN phải đầu tư lớn. “Sau khi cố gắng thời gian đầu, nhiều DN đã phải bỏ cuộc”, lời bà Mai Anh.
Ông Shiotani Yuichiro - Tổng Giám đốc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), đơn vị có 5 trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam và hàng trăm trung tâm khác rải rác trên khắp thế giới, cho biết năm 2017, Aeon đã phân phối hàng hóa các DN Việt Nam trị giá trên 200 triệu USD tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại của Aeon ở nhiều nước. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được khách hàng quốc tế yêu thích.
Lãnh đạo Tập đoàn Aeon cho rằng, hệ thống phân phối của ông rất cần những sản phẩm có chất lượng để đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng của Aeon. Ông mong tiếp tục được hợp tác nhiều hơn với các DN Việt Nam. “Người Nhật Bản rất yêu thích và quan tâm tới Việt Nam”, lãnh đạo Tập đoàn Aeon nói và cho biết, sự tin tưởng, yêu quý lẫn nhau là cơ hội tốt để DN Việt Nam tiếp tục thâm nhập hàng hóa vào Nhật Bản.
Đồng thời lãnh đạo Tập đoàn Aeon gợi ý, các DN Việt Nam khi đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài cần gia tăng giá trị sản phẩm; nếu chỉ chú ý vào giá rẻ hoặc nhân công rẻ sẽ không mang lại lợi ích bền vững cho sản phẩm.