Đầu năm nay, Ellen Williams, Giám đốc trung tâm phát triển thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, cho biết nhóm nghiên cứu của bà đã đạt được những bước tiến đáng kể về công nghệ pin. Mặc dù kết quả đầy hứa hẹn, nhưng việc thương mại hóa còn nhiều thách thức, bởi kích thước chưa nhỏ gọn và chi phí vẫn cao.
Một dự án khởi nghiệp khác phát triển công nghệ lưu trữ an toàn, kinh tế, nhỏ gọn và chi phí thấp hơn 100 USD cho một kilowatt-giờ. Đây là cơ sở để tạo ra nguồn điện dự trữ, khắc phục vấn đề cung cấp 24/7 cho lưới điện từ gió hay năng lượng mặt trời, đồng thời giúp xe điện trở nên nhẹ và rẻ hơn.
Tuy nhiên, tất cả các công nghệ nêu trên đều chưa được thượng mại hóa rộng rãi. Ngay cả CEO Tesla Elon Musk, người luôn có những ý tưởng táo bạo, cũng phải thừa nhận, hiện nay, các nhà sản xuất xe điện phải tham gia vào công việc nặng nhọc là cải tiến pin lithium-ion, thay vì tạo ra một bước nhảy vọt.
Tesla sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin lithium-ion. Ngược lại, một loạt dự án về công nghệ pin mới lại đối mặt với thách thức sản xuất và tìm người mua. Các nhà đầu tư thấy rằng việc đổ tiền cho pin thế hệ mới không đem lại lợi ích kinh tế đủ lớn, bởi vậy công nghệ pin hiện nay vẫn chưa thể bị thay thế.
Nhìn riêng với smartphone, cấu hình chạy đua vũ bão, tính năng mới cập nhật từng ngày, nhưng pin trên điện thoại chẳng đổi gì và luôn trở thành điểm yếu cố hữu. Chẳng hạn iPhone, so với thế hệ đầu tiên thì sản phẩm đời mới đã mạnh hơn hàng chục lần, nhưng thời lượng pin vẫn chỉ gói trong một ngày. Thứ duy nhất các nhà sản xuất làm được là tạo ra nhiều không gian hơn, để chứa được viên pin lớn hơn.
Ba "ông lớn" trong ngành công nghiệp pin là Samsung, LG và Panasonic ít quan tâm đến việc tìm ra chất hóa học mới và tạo ra công nghệ pin thế hệ tiếp theo. Họ tập trung cải tiến các sản phẩm hiện có và rõ ràng pin lithium-ion, công nghệ lần đầu được phát triển từ những năm 1970, tiếp tục ngự trị đến ngày nay.