Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm qua (27/5), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5.
Kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7-8%
“Nhìn chung, KT-XH trong 5 tháng đầu năm 2012 đã và đang có chuyển biến tích cực” là nhận xét chung của thành viên Chính phủ. Được các thiết chế kinh tế thế giới đánh giá cao về việc “đi đúng hướng” trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với kết quả 5 tháng đầu năm xấp xỉ tăng trưởng xuất khẩu đạt 25%, dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán tốt… nhưng khó khăn còn rất lớn.
Với nguồn đầu tư công khoảng 240.000 tỷ đồng và trên 30.000 tỷ vượt thu của các địa phương, nhưng từ đầu năm tài khóa mới giải ngân được 66.000 tỷ đồng (khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng). Vì thế, đến cuối năm mỗi tháng còn khoảng 25.000 tỷ đồng nên “không lo” về lạm phát, nhưng phải gắn với tái cơ cấu đầu tư công: lúc nào, chỗ nào. Tăng trưởng tín dụng còn chậm dù vốn trong ngân hàng không thiếu. Từ nay đến cuối năm vẫn còn dư địa để thúc đẩy phát triển kinh tế và tháo gỡ cho DN… nhưng phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.
Tái cơ cấu cần kiên trì, đúng định hướng
Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại: Tái cơ cấu nền kinh tế cần sự kiên trì đúng định hướng với mục tiêu chính là để DN sử dụng các nguồn lực của đất nước hiệu quả hơn, hướng vào yếu tố tăng năng suất (sử dụng công nghệ mới). Chính phủ đã phân công các Bộ, ngành có liên quan để các chính sách đi vào cuộc sống, nỗ lực tháo gỡ đúng khó khăn. Trên cơ sở đó, Chính phủ tin tưởng vào khả năng đạt các mục tiêu tăng trưởng nên chưa đề nghị QH xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.
Để kiên trì giữ vững mục tiêu: Kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% và tăng trưởng hợp lý khoảng 6%, dư nợ tín dụng cố gắng đến cuối năm là 12-13%, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ xác định thời gian còn lại của năm sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu là phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (xử lý nợ xấu, trình QH giảm thuế thu nhập DN), đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước, tăng cường kiểm soát thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, phòng chống tham nhũng, tội phạm, tập trung giải quyết khiếu nại tố cao của công dân nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, đông người, tăng cường đối thoại tại chỗ.
Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.
Thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát đồng thời điều hành theo lạm phát mục tiêu (từ 7-8%). Chỉ đạo kiên quyết việc đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13/NQ-CP. Điều hành mức cung ứng tiền (M2) và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trong các tháng từ nay đến cuối năm, bảo đảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại. Ổn định tỷ giá ngoại tệ và tăng dần dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: “Hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong việc Vinalines mua ụ nổi (năm 2007) là trái chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, vi phạm pháp luật về đầu tư. Hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với bị can. Chủ trương của Chính phủ là xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo bằng văn bản Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC tiến hành các công việc cần thiết để xử lý các hành vi có dấu tham nhũng trong vụ việc này. Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch HĐTV của Vinalines là đúng thẩm quyền, qui trình, thủ tục. Tại thời điểm Bộ GTVT có văn bản đề nghị để ông Dũng thôi làm Chủ tịch HĐTV của Vinalines để bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Hàng hải là tháng 12/2011 (trước khi có kết luận thanh tra về sai phạm của Vinalines). Bên cạnh đó, không có qui định pháp luật nào cấm thuyên chuyển, bổ nhiệm cán bộ khi đơn vị đang bị thanh tra. Sai phạm của Vinalines trong mua ụ nổi diễn ra từ năm 2007, nhưng đến năm 2010 mới bàn giao nguyên trạng 1 số đơn vị (cùng ngành nghề) của Vinashin sang Vinalines với nguyên tắc bảo đảm sự ổn định của DN và các đơn vị này được hạch toán riêng, theo dõi và xử lý riêng. Theo báo cáo, năm 2009, Vinalines lỗ trên 400 tỷ đồng, năm 2010 lỗ trên 1.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ trên 2.600 tỷ đồng, nhưng đều có sự tách bạch lỗ của Vinalines hay của các DN của Vinashin chuyển sang. Sau những sai phạm của Vinalines và Vinashin, Chính phủ điều hành các DNNN để đảm bảo các DNNN “một mặt giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn lực của đất nước trong môi trường kinh doanh bình đẳng”. Mọi sai phạm sẽ bị xử lý theo qui định pháp luật, các DNNN phải tiếp tục được sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, không chỉ đảm bảo hiệu quả quản lý vốn, cán bộ, mà còn phải đảm bảo định hướng sản xuất kinh doanh của các Bộ quản lý chuyên ngành”. |
Hương Giang