Sự cố nằm ngoài ý muốn
Ngày 10/6/2017, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) đón thai phụ Hoàng Thị N (37 tuổi, người xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên) đang mang thai 9 tháng tới khám với lý do ra máu âm đạo. Thai phụ được nhập viện vào Khoa Sản và được chẩn đoán: Thai 40 tuần, ngôi ngược, rau tiền đạo trung tâm chảy máu, trên thai phụ có sẹo mổ lấy thai cũ.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn, thai phụ đã được chỉ định phẫu thuật lấy thai. Cháu bé sinh ra nặng 3,2 kg, mang giới tính nam, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi chuẩn bị khâu thành bụng, sản phụ đột ngột ngừng tim, huyết áp tụt nhanh. Kíp phẫu thuật đã tiến hành cấp cứu tích cực, đồng thời thông báo cho gia đình bệnh nhân, nhưng do gặp biến cố y khoa quá nghiêm trọng, thai phụ đã tử vong vào hồi 19h00 cùng ngày.
Trao đổi với PLVN, bác sĩ Vũ Bá Quang – (Trưởng phòng Kế hoạch bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt) cho biết: Khoa Phụ sản có 8 bác sĩ, trong đó có 1 bác sĩ chuyên khoa 2, 5 bác sĩ chuyên khoa 1 và 2 bác sĩ chuyên khoa sơ sinh. Tất cả đều có trình độ triển khai được nhiều kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi cắt tử cung, bảo tồn vòi trứng trong chửa ngoài tử cung, chăm sóc trẻ sơ sinh sinh non…
Vì vậy, trung bình mỗi ngày bệnh viện đón tiếp 6 - 10 thai phụ sinh nở (đẻ thường và đẻ mổ). Trong hơn 4 năm qua có tổng số hơn 12.000 em bé đã sinh tại Khoa Sản bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt.
Đối với sự cố tử vong của Hoàng Thị N là sự cố ngoài ý muốn. Chị N đã từng mổ sinh tại bệnh viện, lần này là lần sinh mổ thứ 2. Khi biến cố xảy ra, tập thể bác sĩ, không chỉ khoa Phụ sản mà cả các bác sĩ gây mê, hồi sức cấp cứu… tập trung cứu chữa cho chị N trong khoảng thời gian gần 7 tiếng nhưng không có kết quả. Sau khi thai phụ N tử vong, bệnh viện đã báo cáo các cơ quan chức năng của tỉnh. Pháp y tỉnh đã vào khám nghiệm tử thi dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và gia đình bệnh nhân.
Trong thời gian qua, bệnh viện luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để cùng với gia đình sản phụ Hoàng Thị N vượt qua nỗi mất mát này”, bác sĩ Quang nói.
Theo đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt thành lập Hội đồng chuyên môn, kiểm thảo tử vong, xác định nguyên nhân tử vong của sản phụ. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã họp và sơ bộ kết luận nguyên nhân tử vong của sản phụ là do tắc mạch ối. Kết luận của cơ quan CSĐT cũng đã làm rõ các vấn đề này.
Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Bệnh lý gây tử vong rất cao
Dưới góc nhìn của một chuyên gia y tế đầu ngành phụ sản, PGS. TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Tắc mạch ối (Amniotic Fluid Embolism) là tình trạng nước ối đi vào mạch máu của thai phụ, xảy ra đột ngột, bất ngờ, thường là trong quá trình chuyển dạ hoặc thực hiện một số thủ thuật như can thiệp forceps, đốt laser ở trường hợp song thai. Nước ối đi vào mạch máu của thai phụ, gây ra sốc phản vệ làm suy sụp hệ tuần hoàn. Dù thai phụ đang rất khỏe mạnh, cũng có thể tử vong rất nhanh sau khi tắc mạch ối. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, trong mọi bệnh viện, bất kể là bệnh viện địa phương hay Trung ương.
“Đây là bệnh hiếm gặp, nhưng tắc mạch ối có tỷ lệ tử vong ở người mẹ rất cao. Ở quốc gia có nền y học tiên tiến bậc nhất như Mỹ, tỷ lệ tử vong là khoảng hơn 50%. Tỷ lệ tử vong bình quân trên thế giới dao động lên đến 80%.
Việc cứu được thai phụ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể do thai phụ đó rơi vào trường hợp tắc mạch ối thoảng qua hoặc được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu, ngoài việc phải khẩn cấp khôi phục tuần hoàn, duy trì đường hô hấp để tránh hiện tượng mất não, các bác sĩ còn phải giải quyết tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng cũng do tắc mạch ối gây ra. Do đó, việc cấp cứu cho thai phụ bị tắc mạch ối cũng còn nhiều điều khó kiểm soát.
Khi xuất hiện ngừng tim, thông thường các bác sỹ phải sử dụng kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực là phương pháp tác động cơ học có tác dụng tương đối tốt. Trong quá trình thực hiện có thể xảy ra những tai biến như rạn xương, nứt gan nhưng với mục tiêu cao nhất là khôi phục tuần hoàn để cứu mẹ”, P.GS Trần Danh Cường nói.
Ngoài ra, P.GS Trần Danh Cường cũng cho biết thêm rằng: “Tắc mạch ối là bệnh lý đột ngột, không có triệu chứng báo trước. Số lượng trường hợp thấp nên chưa có các bằng chưng rõ ràng về yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, bệnh có khả năng xảy ra ở người phụ nữ bị nhau tiền đạo. Khi nhau thai bám bất thường, mạch máu ở nhau và tử cung của người mẹ cũng bất thường. Khi chuyển dạ, vỡ ối, bấm ối, mạch máu trong cơ thể người mẹ có thể vô tình bị xé rách. Nước ối vì vậy dễ đi vào tĩnh mạch, vốn tập trung nhiều ở thành tử cung, nhanh chóng đi vào tuần hoàn của thai phụ. Đây là tình trạng vô cùng đáng ngại. Tuy nhiên, ngày nay, với những phát triển của công nghệ siêu âm và khám thai, việc nhau thai bám bất thường hoàn toàn có thể phát hiện, cảnh báo và xử lý sớm, tránh để sự việc đáng tiếc xảy ra.
Tình trạng sốc phản vệ cũng xảy ra ở thai phụ dọa đẻ non, ra máu nhiều lần, cổ tử cung mở. Những trường hợp này thường bị nhầm lẫn với tăc mạch ối, nhưng thực tế là do sốc nhiễm trùng. Sốc nhiễm trùng là loại nhiễm trùng xảy ra tại chỗ, xảy ra khi cổ tử cung mở, giải phóng ra các chất gọi chung là Cytokine. Trong đó, TNF – alpha (chất hoại tử khối u alpha) là một loại Cytokine hết sức guy hiểm. Chỉ một nồng độ nhỏ có thể gây ra rối loạn tuần hoàn trầm trọng, là suy sụp hệ tuần hoàn như tắc mạch ối” PGS.TS Trần Danh Cường nói,
Phó Giám đốc bệnh viện phụ sản trung ương cũng đưa ra khuyến cáo rằng: “Người phụ nữ trước khi mang thai cần điều trị tất cả các viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục. Việc nhiễm trùng cơ quan sinh dục đường dưới trước và trong khi mang thai tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng ở cổ tử cung và mang ối, kèm với đó là nguy cơ thai phụ có thể chịu tác động của Cytokine, trong đó có TNF-alpha.