Mới được bàn giao vào năm 2010, chân cụm đầu mối Tắc Giang (thuộc hệ thống thủy lợi Tắc Giang) - một trong những công trình thuỷ lợi trọng điểm tại tỉnh Hà Nam đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo khắc phục sự cố này…
Do sụt lún nên nhà điều hành bị đổ nghiêng |
Theo đó, vào ngày 1/8, chân cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), thuộc hệ thống thủy lợi Tắc Giang - Phủ Lý xuất hiện tình trạng nước thấm qua thân và nền đê, tạo mạch sủi phía hạ lưu làm sụt một nhà điều hành để vận hành cửa xả âu thuyền thuộc công trình này. Tại thời điểm đó, nhiều vết nứt lớn cũng xuất hiện ở dọc thân đê, còn vùng chân đê sụt sâu hàng chục m2.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nói rằng nguyên nhân xảy ra vụ sạt lở, sụt lún ở chân cụm công trình đầu mối Tắc Giang là do hiện tượng xói ngầm. Theo ông Thắng, dòng thấm cuốn các hạt rời như cát, bùn cát đi khiến chân công trình bị rỗng, kéo theo đó là một số hạng mục phụ ở trên nền bị lún. Ông Thắng cho hay “đây là điều đáng tiếc”, bởi ít công trình để xảy ra sự cố đến mức này, dù xói ngầm xảy ra tương đối nhiều. Hiện tượng nếu được phát hiện thì xử lý rất đơn giản vì cụm công trình đầu mối Tắc Giang có trang bị thiết bị đo thấm, xói ngầm lại xảy ra từ từ chứ không bục ngay.
Ông Thắng xác nhận, công trình vận hành từ cuối năm 2008 và được bàn giao năm 2010. Với thời gian hoạt động như vậy nhưng để sự cố xảy ra, theo ông Thắng là “không thể hài lòng được".
Cụm công trình đầu mối Tắc Giang được khởi công xây dựng từ tháng 6/2007, với tổng mức đầu tư của công trình là 175 tỷ đồng (trong đó vốn của ADB chiếm 90%). Đây là một trong những công trình có vốn đầu lớn nhất tại tỉnh Hà Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 4/2010. Đơn vị chủ quản đầu tư là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi I. |
Ngay sau sự cố xảy ra, Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Hà Nam thống nhất ngay phương án cho đắp một con đập với chiều dài 200m, rộng 4m, khối lượng khoảng 7.000m khối đất, đá hộc để ngăn dòng chảy từ phía thượng lưu. Đồng thời, cho thả các rọ đất, đá, bao đất xuống mạch xủi nhằm giảm lưu lượng dòng chảy trực tiếp tác động vào thân đê và công trình; tiến hành mở cửa âu để giảm áp lực nước, hạn chế tối đa mức độ khoét sâu của dòng chảy vào chân công trình.
Theo công điện của Thủ tướng vào ngày 6/8, thì hiện nay do mưa lũ còn diễn biến phức tạp, do vậy để đảm bảo an toàn tuyến đê tả sông Hồng trong khu vực, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam huy động mọi nguồn lực, tập trung xử lý sự cố sạt lở cụm công trình đầu mối Tắc Giang, thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để sự cố sạt lở, xói ngầm tiếp tục mở rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Việt Hưng